Image
Loading
13/08/2020 04:50 CH
Đình Đền Công là một trong mười điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.
 
Đình Đền Công
 
Trước đây đình Đền Công thuộc xã Điền Công, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên). Ngày 30/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg sáp nhập xã Điền Công về thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí). Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 sáp nhập xã Điền Công vào phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
 
Đình Đền Công có mối quan hệ mật thiết với miếu Cu Linh (miếu Cây Giêng) cách đình khoảng 500m về hướng Nam, trong mối quan hệ đình - miếu. Theo Thần phả và truyền thuyết dân gian, miếu Cu Linh được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, trên một doi đất cổ, thờ ngũ vị đại tướng quân là Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Nam Hải Tôn thần, Phi Bồng Tướng quân và Bạch Thạch Tướng quân [1] đã báo mộng cho Trần Hưng Đạo chọn đượng đất có cây Giêng cổ thụ cùng với cây Quếch ở miếu Vua Bà, gần bến Đò Rừng làm nơi phát hoả hiệu lệnh cho quân dân nhà Trần nhất loạt tiến công đoàn thuyền chiến của quân Nguyên Mông xâm lược, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, ngày 09 tháng 4 (8 tháng 3 âm lịch), năm 1288. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo cho sửa lễ vật tế tạ các vị thần và đặt tên cho làng là Đền Công. Đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng sau đó ít năm. Lúc đầu gọi là đền Công, sau được trùng tu lớn hơn, gọi là đình Đền Công. Trần Hưng Đạo được nhân dân tôn làm Thành hoàng của làng.
 
Khu vực miếu Cu Linh
 
Đình tọa lạc trên một gò đất cao, gọi là đượng đất Cu Linh - Cây Giêng, nhìn ra sông Bạch Đằng và dãy núi Tràng Kênh (Hải Phòng), cách nơi xảy ra chiến trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 khoảng 500m về hướng Nam. Năm 1954, nước biển tràn vào gây lụt, miếu Cu Linh bị hỏng, nhân dân đã chuyển bài vị, đồ thờ các vị thần từ miếu Cu Linh về đình Đền Công để thờ. Lâu dần đình cũng bị hư hỏng nặng. Năm 1989, nhân dân tu sửa lại, cấu trúc chữ “Đinh”, gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung, quy mô kiến trúc đơn giản. Từ năm 2007-2011, đình được xây dựng lại khang trang như hiện nay bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và nguồn huy động xã hội hoá. Các công trình xây dựng gồm đền chính, nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ như đường vào, nghi môn trụ biểu, sân vườn, sân khấu, điện chiếu sáng, tường bao...
 
Bên trong đình Đền Công
 
Đình quay hướng Tây, kiến trúc chữ “Đinh”, gồm ba gian hai chái tiền đường dài hơn 17m, rộng hơn 5m và một gian, hai chái hậu cung dài hơn 6m, rộng hơn 6m. Toàn bộ cấu kiện kiến trúc bên trong được làm bằng gỗ lim. Có 4 bộ vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường. Các đầu dư chạm đầu rồng ngậm hạt ngọc, các con rường, đấu được bào trơn chạy chỉ và chạm hoa văn lá lật mang phong cách thời Nguyễn.
 
Tuy mới được trùng tu tôn tạo, nhưng tất cả đồ thờ, hiện vật cổ giá trị, có niên đại từ đầu thời Nguyễn như hương án, bát hương đá, bát hương gốm, chúc bản, kiếm, tượng Trần Hưng Đạo, đặc biệt là 6 đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các vị thành hoàng Trần Hưng Đạo và Ngũ vị đại tướng quân có công âm phù Trần Hưng Đạo đánh giặc... vẫn được gìn giữ bao quản cẩn thận, sắp xếp bài trí đúng ngôi vị, càng tăng thêm giá trị của ngôi đình.
 
Sắc phong của đình Đền Công
 
Ngoài ngày lễ hội chung kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng diễn ra vào ngày 08 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại đình Đền Công còn có một ngày lễ hội riêng được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng với các nghi lễ rước thần tượng Trần Hưng Đạo cùng với các vị thần đi quanh Điền Công, tế Thành hoàng làng và tổ chức các trò chơi dân gian chơi đu, đánh cờ, đánh vật, hát đúm…
 
Đình Đền Công là nơi lưu niệm danh nhân và là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Ngày 24/11/2000, đình Đền Công được Bộ Văn hoá - Thông tin ký quyết định số 30/QĐ/BVHTT xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia, bổ sung cho di tích Bạch Đằng 1288. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng đình Đền Công trong tổng thể 10 di tích thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng là Di tích Quốc gia đặc biệt./
 
* Ghi chú:
[1] Thần phả đình Đền Công chép thần Cao Sơn và thần Quý Minh là một, nên gọi là Tứ Vị Đại Tướng quân.
Phan Thị Thúy Vân
 
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN