Image
Loading
16/01/2022 11:46 SA
Giải Oan là ngôi chùa thứ năm trên đường hành hương về Yên Tử, trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt – Khu Di tích lịch sử và và danh thắng Yên Tử, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và là ngôi chùa đầu tiên trong vùng núi Yên Tử.
 
Chùa Giải Oan
 
Tên chùa gắn liền với truyền thuyết: Khi Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, do không muốn vua cha đi tu nên vua Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến đây can ngăn, xin vua trở lại triều đình, nhưng Trần Nhân Tông vẫn quyết định ở lại Yên Tử và khuyên họ trở về làm lại cuộc đời. Để tỏ lòng trung với vua, họ đã trẫm mình xuống suối Hổ Khê. Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn để cúng giải oan cho linh hồn các cung phi ấy. Nơi dựng đàn tràng sau được dựng chùa gọi là chùa Giải Oan, dòng suối cũng được đổi tên thành suối Giải Oan.
 
Vào mùa khô, lòng suối Giải Oan xâm xấp nước, chảy róc rách suốt đêm ngày. Mùa mưa, nhất là sau những trận mưa, lòng suối dâng cao, nước chảy cuồn cuộn. Bởi vậy sự tích các cung tần mỹ nữ trẫm mình dưới dòng suối nơi đây không phải không có cơ sở. Nay đã có cây cầu đá bắc qua suối Giải Oan, rất thuận tiện cho bước chân của du khách hành hương vào cõi Phật.
 
Bên bờ suối có một cây đa cổ thụ, tính tuổi có đến vài trăm năm. Dưới gốc đa có tấm bia đá nói về lòng trung trinh của các cung nữ. Vào thế kỷ XIX, danh sỹ Nguyễn Thượng Hiền đi qua đây đã có thơ thương cảm trước vong hồn các cung tần mỹ nữ: “Giải hết nỗi lòng ngay với Chúa/ Oan theo dòng nước sạch cùng Vua”.
 
Từ đây theo đường dốc được lát đá để lên chùa. Lần lượt qua cổng Tam quan; nhà khách Yên Tử; bốn ngọn tháp nơi chôn cất xá lị của các Thiền sư đã trụ trì ở chùa Giải Oan, một trong số đó là tháp mộ có tên Tâm Hoan Tháp (bên phải hướng lên chùa) của thiền sư Tâm Hoan Giác Linh, viên tịch ngày 14 tháng Giêng.
 
Chùa dựng vào thời Trần trên nền tràng giải kết những oan hồn các cung nữ. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, hiện nay khu vực chùa Giải Oan có các công trình: Chùa chính, nhà Mẫu, nhà sắp lễ và nhà Ni.
Chùa chính có kết cấu hình chữ Đinh, tiền đường 5 gian, 4 mái, các đầu đao hình lá lật và tản mây uốn cong. Hậu cung 1 gian. Mái lợp ngói vẩy, trên bờ nóc đắp bức đại tự có bốn chữ “Giải Oan thiền tự”. Tường xây bằng gạch đỏ, không trát vữa để tăng thêm vẻ cổ kính cho chùa. Toàn bộ hệ thống vì kèo được làm bằng bê tông giả gỗ với 14 cột cái và 18 cột quân tạo nên bộ khung vững chắc. Hệ thống cửa ra vào bằng gỗ thượng song, hạ bản. Hai gian chái tạo cửa sổ hình tròn chữ thọ. Giữa sân, sát hiên chùa dựng một lầu hương hai tầng tám mái, bên trong đặt 1 bát hương bằng đá to và 2 cây đèn bằng đá để Phật tử thắp hương trước khi vào lễ Phật.
 
Nhà Mẫu bên phải chùa Giải Oan
 
Nhà Mẫu nằm ở bên phải chùa, có kết cấu hình chữ Đinh. Hậu cung 1 gian. Tiền đường 3 gian, bốn mái với các đầu đao hình lá lật và tản mây uốn cong. Mái lợp ngói mũi hài. Toàn bộ hệ thống vì kèo bên trong được làm bằng gỗ với 4 cột cái và 14 cột quân tạo thành khung chắc chắn. Cửa ra vào bằng gỗ thượng song hạ bản, hai gian bên là cửa sổ chấn song, tạo độ thông thoáng cho nhà Mẫu. Phía trước, sát với bậc tam cấp là một hương án bằng đá, trên đó đặt 1 bát hương đá to và 2 cây đèn để Phật tử thắp hương trước khi vào lễ Mẫu.
 
Chùa Giải Oan được xem là linh thiêng có tiếng ở chốn Thiền tự. Chùa tựa lưng vào vách núi, phía trước chùa là dòng suối chảy róc rách suốt đêm ngày, rì rào như hát khúc Thiền ca bất tận. Bên phải chùa là một đoạn dốc cao mang tên Hạ Kiệu gắn với câu chuyện mỗi lần Hoàng đế Trần Anh Tông đến thăm vua cha tu hành ở Yên Tử, tới đây hạ kiệu đi bộ leo núi.
 
Cây cầu đá bắc qua suối Giải Oan
 
Giá trị nhất ở đây là các pho tượng, hầu hết đều cổ xưa, nét chạm khắc rất tinh xảo sống động. Trong các chùa tháp Yên Tử, chưa chùa nào có số tượng Mẫu thờ nhiều như chùa Giải Oan, ước chừng có đến 20 pho tượng cổ. Phải chăng các cung tần mỹ nữ xưa kia, sau khi trẫm mình, linh hồn của họ được siêu thoát về Thiên cung, thoải phủ hiện thân thành Mẫu, tôn thờ ở chốn Giải Oan này.
 
Chùa Giải Oan cũng như các ngôi chùa khác trong hệ thống chùa Yên Tử không lúc nào vắng bóng Phật tử và du khách hành hương về cõi Phật.
 
Ngày 13/3/1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử, Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Khu di tích nhà Trần ở tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN