Image
Loading
20/10/2021 01:49 CH
Chùa Lân là ngôi chùa thứ tư trên tuyến đường hành hương từ Dốc Đỏ vào, trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt – Khu Di tích lịch sử và và danh thắng Yên Tử, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
 
Toàn cảnh chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
 
Trước năm 1992, tuyến đường hành hương dốc Cửa Ngăn vào chùa Lân chưa mở, phải đi theo đường từ Lán Tháp – Vàng Danh sang. Chùa Lân mặc nhiên trở thành chùa Trình của cả khu trung tâm chùa tháp ở Yên Sơn. Chùa được dựng trên triền quả núi có hình con Kỳ Lân nằm phủ phục nên có tên gọi chùa Lân.
Tên chùa Lân còn được nhân dân địa phương hiểu theo tích khác: Ngày xưa, vào mùa mưa, vùng Nam Mẫu ngập trắng nước, suối chảy mạnh, muốn vào chùa phải dùng bè mảng, nhà chùa phải căng dây cho khách bám, lân dây đi vào. Do việc lân dây lên chùa lâu dần trở thành quen mỗi khi mùa nước ngập, nên chùa có tên chùa Lân.
 
Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
 
Tên chữ của chùa là Long Động tự. Tên Long Động được gắn với tích truyện: “Khi nhà vua cùng Bảo Sái trên đường vào Yên Tử, dừng chân nghỉ đêm tại đây. Ngài mộng thấy mình cưỡi rồng vàng bay vào động. Trong động lại có một hồ nước trong xanh nở đầy hoa sen vàng, sực nức hương thơm. Rồng đã đưa Ngài dạo quanh hồ sen, các hoa sen toả ánh hào quang, lại nghe được tiếng nhạc du dương vang ra từ lá, rồi đặt Ngài lên trên một đài sen… Khi vua tỉnh giấc, hương thơm thoang thoảng và tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng bên tai. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ kỳ dị. Lạ thay khi ấy có bầy rồng đất từ đâu bò về. Thấy động, chúng chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi rồng ở, bèn đặt tên Động Rồng”. Về sau, nơi đây xây dựng một ngôi chùa mang tên Long Động tự (chùa Động Rồng).
 
Tên Long Động được Đệ Tam Tổ Huyền Quang nhắc đến qua hai câu thơ trong bài Yên Tử Sơn:
“…Động Rồng nắng đã rọi
Khe Hổ băng còn dầy…”
 
Chùa Lân được xây dựng từ thời Trần, trên triền núi phong quang tụ linh, tụ phúc. Trước chùa, có đồi núi nhấp nhô tạo thành tiền án, lại có dòng suối mát chảy đêm ngày thuận chiều từ phải sang trái. Hai bên có dãy núi cao “tả thanh long, hữu bạch hổ” tạo thế tay ngai. Phía sau lưng chùa có núi cao sừng sững làm hậu chẩm. Chùa xưa được xây dựng với quy mô khang trang, rộng lớn. Ngõ chùa Lân to và đẹp, được xem là một trong ba cái nhất không thể so bì trong các ngôi chùa cổ thời Trần, phái Thiền Trúc Lâm thịnh vượng. Dân gian có câu: “Ngõ chùa Lân (to), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều)” cũng đủ thấy chùa Lân quả là một ngôi chùa có tiếng. Vì thế mà nơi đây không lúc nào vắng bóng người tu hành. Theo tư liệu đang lưu giữ tại chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, thủy tổ khai sơn chùa Long Động, núi Yên Tử là Tuệ Hải Tịch Lãng tổ sư. Truyền đến đời thứ hai là Tuệ Minh tổ sư. Tiếp đến là Tuệ Quang tổ sư, Chân Trụ tổ sư, Chân Nguyên tổ sư, Lân Giác thượng sỹ, Tăng Chính Duy Đường tổ sư, Tuệ Nhãn Hải Khâm đại sư, Tuệ Nhật Hải Dật tổ sư, Tuệ Đán Hải Ngân hòa thượng, Tuệ Hải Tịch Lãng đại sư và truyền đến đời thứ 12 là Tuệ Bình Chiếu Chính đại sư.
 
Sân chùa Lân
 
Hình ảnh chùa Lân đã được miêu tả trong cuốn sách “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” tập I, do Viện Đại học Vạn Hạnh in năm 1972: “Long Động tự, tục gọi là chùa Lân vì bên cạnh có quả núi hình giống con Lân. Chùa có thờ Trúc Lâm Tam Tổ, tượng tạc uy nghi. Đây là nơi mà khoảng năm Kỷ Hợi (1299), Hương Vân Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông) lập trường giảng pháp, độ tăng và thuyết pháp cho cả trên vạn người. Cổng chùa trông ra suối, có những bậc đá từ bờ suối đi lên. Giữa những gốc thông già, hai hàng tháp cổ, cái nhỏ xây bên dưới, cái lớn trên cao, trông rất oai nghiêm….”.
 
Sách “Đình Chùa Lăng Tẩm nổi tiếng Việt Nam”, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, in năm 1999, trang 413 có ghi: “…Chùa Long Động nằm trong hệ thống chùa Yên Tử, do Trúc Lâm Điều Ngự (Trần Nhân Tông) cho xây dựng ít lâu sau khi xuất gia. Các Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang cũng thường đến đây thuyết pháp. Sau thời Trần, chùa Long Động vẫn là một Thiền viện, có những Thiền sư thấu hiểu tư tưởng Thiền tông Trúc Lâm như Hoà thượng Tuệ Đăng (tức Chân Nguyên), từng soạn sách “Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh”, “Kiến Tánh Thành Phật”. Thiền sư Tuệ Nguyên in sách “Trúc Lâm Tổ Sư”, “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” tại chùa Long Động năm 1763…”.
 
Ngày nay, trải qua thời gian và khí hậu khắc nghiệt, những công trình đồ sộ quý giá xưa của chùa Lân đã bị huỷ hoại nghiêm trọng, chỉ còn lại một số dấu ấn của công trình cổ. Cổng chùa Lân hướng ra một dòng suối lớn, được lát đá rộng rãi như tấm thảm chạy dài từ cổng vào. Mặt đá nhẵn bóng hơi khuyết xuống, đã chứng minh thời gian trường tồn và vô lượng người đã đi qua. Bên trái hàng tháp ở cổng chùa Lân còn lại một cây thông mã vĩ cổ thụ, thân to, cao, thẳng, xoè tán như chiếc lọng. Phải chăng ngõ chùa Lân xưa được trồng thông hai bên đường vào? Bên phải Nhà Tổ có mộ cây đa cổ thụ xum xuê tỏa bóng rợp sân chùa, rễ tạo nhiều thân, có một khóm rễ trùm lên gốc thị bên cạnh. Tự các cây cổ thụ đã mách bảo niên đại cổ kính của ngôi chùa xưa.
 
Vườn tháp chùa Lân
 
Trong cả hệ thống chùa tháp ở Yên Tử, trừ Vườn Tháp Tổ trước cửa chùa Hoa Yên, chưa có vườn tháp nào sánh với chùa Lân về số lượng tháp. Với tổng số hơn hai mươi ngôi tháp, trong đó vẫn còn nhiều tháp của các bậc thiền sư tu hành ở chùa Lân còn khá nguyên vẹn, chủ yếu xây dựng vào thời Lê như: Tháp Liên Phương, pháp danh là Tuệ Nhật, Phái Hải, huý là Thích Điềm Điềm, sinh năm Bính Ngọ (1726), người Cổ Miếu, Tiên Du, Tiên Sơn, Kinh Bắc, hưởng thọ 57 tuổi. Tháp dựng ngày 23 tháng Giêng năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783); Tháp Giao Quang, pháp danh là Tuệ Cự, họ Đinh, tên huý là Hưng Tạo, sinh ngày 18 tháng 12 năm Bính Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ hai (1706), người Tây Hồ, Quảng Đức, mất ngày 29 tháng 4 năm Tân Mão (1771), hưởng thọ 65 tuổi. Tháp dựng ngày tốt tháng 8 năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1771). Đặc biệt là tháp Tịch Quang xây bằng đá, ở vị trí phía sau Nhà Tổ hiện tại, thờ Tuệ Đăng chính giác Hoà thượng Chân Nguyên, họ Nguyễn, tên Nghiêm, tự là Đình Giác, sinh ngày 16 tháng 9 năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái tứ 5 (1647), người xã Tiền Liệt, huyện Thanh Hà. Xuất gia tu hành tại chùa Long Động. Sư là người học rộng, hiểu sâu, thông minh, xuất chúng khác thường. Năm Giáp Tý (1684) dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều). Năm Đinh Mão (1687) lại xây một toà nữa tại chùa Hoa Yên (Yên Tử). Năm Chính Hoà thứ 13 (1692) được Vua Lê Hy Tông sắc phong là Tuệ Đăng Hoà Thượng, tự tay vua viết hai chữ Vô Thượng để khen ngợi, ban cho sư áo, mũ, nhiều đồ vật và tiền bạc. Từ đó sư sửa chùa, dựng toà Cửu Phẩm, tạc tượng, đúc chuông. Công lao của sư không sao kể xiết... Năm Nhâm Dần (1722), được vua Lê Dụ Tông sắc phong là Tăng Thống Chính Giác Hoà Thượng. Ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726), sư viên tịch. Các Tăng, Ni, Phật tử đã xây dựng một ngôi tháp tại chùa Long Động để táng hài cốt Hoà thượng và một ngôi tháp tại chùa Quỳnh Lâm (phía trước chùa), dựng bia ghi công đức Hoà thượng để lưu truyền dài lâu.
 
Ngôi chùa trước khi xây Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử chỉ là nhà cấp bốn, quy mô nhỏ bé, lợp ngói tây, do nhân dân trong vùng dựng vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Nay, chùa Lân đã trở thành Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, do Hoà Thượng Thích Thanh Từ cùng Phật tử trong và ngoài nước công đức xây dựng.
 
Ban thờ Phật chùa Lân
 
Ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002), lễ Đặt Đá tôn tạo chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được tổ chức trọng thể theo nghi lễ Phật giáo, trong niềm hân hoan phấn khởi của chư Tôn giáo phẩm, đại biểu các ban ngành đoàn thể cùng Tăng, Ni, Phật tử và khách thập phương chứng dự. Sau lễ đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật nền móng cũ của chùa để làm cơ sở cho việc trùng tu, tôn tạo.
 
Ngày 07 tháng 7 năm Nhân Ngọ (15-8-2002), khởi công xây dựng các hạng mục công trình gồm: chính điện, nhà tổ, lầu trống, lầu chuông, cổng tam quan, nhà trưng bày, nhà khách, nhà Tăng, nhà Ni. Ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (14-12-2002), nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông), đã cử hành Đại Lễ Khánh thành Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử với sự chứng dự của hơn một vạn người.
 
Ngày 28 tháng 10 năm Quý Mùi (21-11-2003), nhân ngày lễ Giỗ Tổ Chân Nguyên, khởi công xây dựng Thiền đường. Ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thân (02-6-2004), nhân ngày đại lễ Phật Đản, Thiền đường được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động theo quy chế đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các ngành chức năng phê duyệt.
 
Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây dựng với 3 chức năng chủ yếu: Là Viện Nghiên cứu, bảo tồn tàng trữ các thư tịch, ấn phẩm văn hoá về Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Là nơi hướng dẫn tu Thiền cho Tu sĩ, Phật tử, và những ai muốn hành Thiền theo Thiền phái Trúc Lâm; Là nơi tham quan du lịch, hành hương lễ Phật của khách thập phương.
 
Các công trình xây dựng nằm trong vùng I, diện tích 125.198m2, gồm hai khu với 26 hạng mục công trình. Khu nội viện: Thất Hoà thượng, thiền đường, thất Tăng, nhà Tăng, nhà ăn, nhà bếp. Khu ngoại viện: Tứ trụ, tam quan, lầu chuông, lầu trống, chính điện, nhà Tổ, giảng đường, thư viện, nhà trưng bày, nhà khách, chai đường, nhà hóng mát, nhà khách Tăng, nhà khách Ni, tháp Phật, tháp Tăng, hồ nước, bãi để xe, trạm điện và công trình vệ sinh công cộng. Trong khuôn viên chùa, Phật tử tín tâm dâng cúng nhiều hoa, cây cảnh, bốn mùa toả ngát hương thơm. Vùng II, diện tích 237.077m2, toàn bộ cây rừng được bảo vệ nguyên trạng, tạo cảnh quan thiên nhiên cho núi rừng Yên Tử.
 
Ngõ vào chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử dài hơn một trăm mét được lát bằng đá suối, có đoạn dốc thoai thoải, có đoạn phải đi trên các bậc đá xếp. Tại đây có một cổng tứ trụ bằng đá xanh mới được làm từ khi xây dựng lại chùa, có ghi Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Qua cổng tứ trụ, tiếp tục đi trên các bậc đá xếp lên cổng tam quan xây hai tầng mái có ghi chùa Long Động - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Tên chùa Lân hay chùa Long Động vẫn được sử dụng để người đời sau không quên tên gọi cũ của chùa. Hai bên lối vào chùa là mười chín ngôi tháp mộ sư được xây thành hai hàng cùng các chậu cây cảnh bốn mùa khoe sắc.
 
Sân chùa được lát bằng đá công nghiệp với kích thước lớn, có hai ngôi tháp mộ sư xây bằng gạch. Bên trái có lầu chuông, bên phải có lâu trống xây trên cấp nền cao chín bậc thềm, hình tứ diện, lan can đá xung quanh, hai tầng mái ngói. Chuông đồng nặng 1,4 tấn. Trống dài gần hai mét, đường kính mặt trống rộng gần một mét, được tạo bởi một thân gỗ liền khoét rỗng. Trước cửa chính điện có một quả cầu như ý báo ân Phật tổ, do nhóm Phật tử Minh Hạnh Túc ở Hà Nội công đức ngày 16 tháng 4 năm Ất Dậu (2005). Quả cầu được làm bằng đá hoa cương màu đỏ rubi, đường kính 1950mm, trọng lượng 6,5 tấn. Đây là quả cầu có hình tròn gần như tuyệt đối, chỉ sai số 0,2mm. Đặt trên bệ đá granit có tiết diện vuông 4,5 tấn. Quả cầu có thể quay xung quanh mình nó theo các hướng bằng một máy bơm nước công suất nhỏ. Tất cả nằm trong bể nước hình bát giác với tám bồn hoa và tám vòi nước, tượng trưng cho bát chính đạo. Ngày 04 tháng 5 năm 2006, quả cầu như ý đã được ghi trong sách Kỷ lục Việt Nam.
 
Tòa chính điện uy nghi rộng lớn, được xây theo khối hình vuông, chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy. Trên bờ nóc có bánh xe luân hồi của Phật giáo. Các đầu đao uốn cong hình mây cuộn. Toàn bộ cấu kiện bên trong đều bằng bê tông cốt thép. Vào tòa chính điện phải bước trên chín bậc thềm đá xanh. Tại đây trưng bầy tại chỗ một phần dấu tích nền móng chùa thời Trần, dưới độ sâu của nền móng hiện nay 0,7 mét, được khai quật năm 2002 trước khi xây dựng chùa. Gian giữa của chính điện thờ tượng Phật tổ Thích Ca Mầu Ni uy nghi tọa thiền trên đài sen, tay cầm bông hoa sen thuyết pháp. Tượng được làm bằng đồng, nặng gần bốn tấn, là pho tượng lớn nhất trong số các tượng thờ ở Yên Tử hiện nay. Bên phải là tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi trên mình sư tử. Bên trái là tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi trên mình voi, biểu hiện cho sức mạnh và trí tuệ của Phật pháp. Phía sau tượng là một bức tranh phù điêu bằng đồng khổ lớn khắc họa hình ảnh cây Bồ đề và dẫy núi Himalaya, phía Bắc của Ấn Độ. Nhìn từ ngoài vào như thể Thích Ca Mầu Ni đang ngồi dưới gốc cây Bồ đề thuyết pháp. Phía trước tượng thờ có một bức cửa võng lớn bằng gỗ, chạm trổ kênh bong hình hoa thị và hoa dây đan xen uốn lượn. Hai bên cột trụ treo đôi câu đối lớn bằng chữ quốc ngữ:
“Phật pháp chỉ dành nẻo vào luân hồi đường giải thoát.
Thiền tông lối thẳng không theo thứ bậc đến chân Như”.
 
Trên tường bên trong toà chính điện treo chín bức phù điêu bằng đồng mô tả quá trình trụ thế, xuất gia, tu hành đắc đạo và nhập cõi niết bàn của Phật tổ Thích Ca Mầu Ni. Trên cửa chính phía trong có bốn chữ “Trí tuệ từ bi”. Hai bên có cửa hậu đi ra Nhà Tổ, cửa bên phải ghi “vô ngã”, cửa bên trái ghi “vị tha”.
 
Nhà Tổ ở phía sau chính điện, cách một khoảng sân rộng chừng hơn 10 mét. Xây cao hơn toà chính điện cũng bằng chín bậc thềm đá. Kiến trúc hình vuông, chồng diêm hai tầng mái giống như toà chính điện. Trên cửa chính treo cuốn thư ghi “Tam Tổ Trúc Lâm”. Hai bên cửa có hai đôi câu đối:
“Trúc Lâm khai Tổ đạo.
Sơ Tổ lập tông phong”.
 
“Thế tôn lìa Đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ đề thành chánh giác.
Giác Hoàng ở ngai vàng lìa ngôi báu lên Yên Tử dạy chúng tăng”.
 
Bên trong Nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm thời Trần: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Ba pho tượng được tạc bằng đồng uy nghi toạ thiền trên đài sen. Phía sau tượng thờ là một bức phù điêu bằng đồng cỡ lớn, khắc hoạ cảnh núi rừng Yên Tử và vườn tháp tổ Huệ Quang, một bức hoành phi: “Vô sư trí vi tôn”. Hai bên treo đôi câu đối:
“Yên Tử non cao Chư Tổ mồi đèn truyền tâm ấn.
Trúc Lâm rừng vắng Điều Ngự nối đuốc lập tông phong”.
 
Hai bên cửa ra phía sau có đôi câu đối:
“Thiếu thất chín năm đợi gặp thần quang truyền tâm ấn.
Trúc Lâm mười kỷ đem thập thiện hoá nhân gian”.
 
Phía sau và bên phải Nhà Tổ có ngôi tháp đá Tịch Quang thờ Tuệ Đăng chính giác Hoà thượng Chân Nguyên và một cây đa cổ thụ cành lá sum suê trùm rễ lên gốc cây thị, đã gợi lại cho ta về một ngôi chùa thâm u cổ kính.
 
Nhà trưng bày ở bên phải toà chính điện như một bảo tàng nhỏ của chùa, giới thiệu những hiện vật khai quật được ở chùa Lân và lưu giữ các thư tịch, ấn phẩm văn hoá để giới thiệu cho du khách, giúp những ai muốn tìm hiểu về phái Thiền Trúc Lâm.
 
Toàn bộ các công trình bên trái và phía sau tòa chính điện có công năng của một Thiền viện, phục vụ cho việc nghiên cứu, tu tập thiền và sinh hoạt của Tăng, Ni, Phật tử cùng những công trình hồ nước, cây xanh tạo cảnh quan tĩnh mịch thoáng đãng cho chùa.
 
Hàng năm, ngoài ba tháng lễ hội Xuân Yên Tử, chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử còn tổ chức các ngày lễ theo truyền thống của Phật giáo và tông môn (tính theo lịch âm): Ngày 23 tháng 01 giỗ Đệ Tam Tổ Huyền Quang; Ngày 03 tháng 3 giỗ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa; Ngày 15 tháng 4 lễ Phật Đản sinh, lễ An cư Kiết hạ; Ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan, lễ Tự tứ; Ngày 28 tháng 10 giỗ Thiền sư Chân Nguyên; Ngày 01 tháng 11 giỗ Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông; Ngày 08 tháng 12 lễ Phật thành đạo. Vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, ngày mùng Một và ngày 15 âm lịch hàng tháng, Phật tử các nơi về đây lễ chùa, tu học rất đông.
 
Ngày 13/3/1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử, Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Khu Di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang), Khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.
 
 Phan Thị Thúy Vân
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN