Image
Loading
03/10/2021 04:05 CH
Cầm Thực là tên một ngôi chùa trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt – Khu Di tích lịch sử và và danh thắng Yên Tử, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Chùa Cầm Thực
 
Chùa có tên chữ Linh Nhâm tự, là tên vị sư đã xây dựng chùa và trụ trì ở đây. Cầm thực là tên thường gọi của chùa. Tục truyền rằng, sau khi tắm ở suối xong, thầy (vua Trần Nhân Tông) trò Bảo Sái tiếp tục lên đường. Mặt trời chênh chếch bóng, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay cho thầy ăn mới chợt nhớ ra suất ăn của hai thầy trò đã đưa cho ba tên cướp ở cửa rừng. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm và nằm nghỉ trưa tại đây trước khi vào Yên Tử. Về sau nơi đây dựng chùa mang tên Cầm Thực.
 
Tương truyền, chùa xây dựng vào thời Trần, hình chữ “Nhất”, 6 gian. Trải qua thời gian, chùa xưa bị phá và được trùng tu lại nhiều lần. Vào giữa thế kỷ XX, chùa bị san bằng vì địch họa, chỉ còn lại nền móng và vài ngọn tháp nhưng cũng đủ để biết về sự hiện diện của ngôi chùa trong quá khứ. Dựa trên những dấu tích đó, năm 1993 chùa được dựng lại trên nền cũ và trùng tu tôn tạo lại khang trang vào các năm sau như ngày nay.
 
Đường vào chùa Cầm Thực
 
Chùa Cầm Thực nằm trên một quả đồi tròn có dáng hình mâm xôi, quay hướng Tây - Nam, địa hình xung quanh tương đối bằng phẳng, thoáng đãng. Dưới chân đồi, bên trái chùa là suối nước trong vắt, uốn lượn mềm mại, bắt nguồn từ suối Giải Oan, bên phải chùa là dòng nước chảy ra từ các khe của vách núi. Hai dòng nước này gặp nhau ở phía trước cửa chùa tạo thành nơi tụ thuỷ - hội tụ những điều tốt lành.
 
Chùa nằm bên trái của con đường hành hương vào Yên Tử, ẩn mình dưới những tán cây rừng. Nếu đứng ngoài đường không nhìn thấy chùa mà chỉ thấy hai hàng thông già thẳng tắp, phủ bóng mát cho con đường dẫn lên chùa. Để vào được chùa phải qua một chiếc cầu nhỏ cong cong bắc qua suối.
 
Chùa Cầm Thực hiện nay có kiến trúc chữ Đinh (J), 3 gian 2 chái tiền đường, diện tích rộng 102 m2 và 2 gian hậu cung rộng 50 m2. Tường xây gạch đỏ để mộc không trát. Mái lợp ngói vẩy, có độ dốc thoải. Trên bờ nóc đắp vữa trang trí đường diềm gạch hoa, ở hai góc mái đắp đầu rồng ngậm bờ nóc, chính giữa bờ nóc đắp một bảng văn hình chữ nhật nhưng không viết chữ. Bờ dải cũng đắp vữa trang trí đường diềm gạch hoa, trên bờ dải đắp hình hổ phù. Đầu đao uốn cong hình tản mây và lá lật. Hệ thống vì kèo, cột bằng bê tông giả gỗ. Có 3 cửa ra vào bằng gỗ thượng song hạ bản, 2 chái hai bên là cửa sổ chấn song không có cánh, tạo độ thông thoáng cho chùa. Tiền đường cao hơn nền sân 0,75 m và được làm thành 5 bậc đá xếp. Hai bên là lan can bậc thềm bằng đá hình rồng mây cách điệu.
 
Nhà mẫu có kiến trúc chữ Nhất, 3 gian, diện tích rộng 50 m2. Tường xây gạch đỏ, hai đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Chính giữa bờ nóc đắp bảng văn, hai góc mái bít đốc, bờ dải đắp hình tam sơn, hai bên tường hồi xây trụ biểu đèn lồng, cổ bồng. Hệ thống vì kèo bên trong bằng bê tông giả gỗ, cửa ra vào bằng gỗ thượng song hạ bản.
 
Tuy không còn lưu giữ được các pho tượng cũ nhưng với 31 pho tượng thờ tại chùa chính và nhà mẫu đã được tạc đảm bảo quy chuẩn, sơn son thiếp vàng, bài trí đúng ngôi vị, càng tăng thêm tính trang nghiêm cho chùa.
 
Hiện nay ở khu vực sân chùa Cẩm Thực còn lưu lại một ngôi tháp xây bằng gạch, thời Nguyễn. Trong lòng tháp có tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm năm Bảo Đại thứ 9 (1934) ghi lại lời phát nguyện của một phật tử khi công đức tượng vào chùa.
 
Chùa Cầm Thực là ngôi chùa thứ ba nằm trên tuyến đường hành hương vào Yên Tử nên không lúc nào vắng bóng Phật tử và du khách hành hương về cõi Phật.
 
Ngày 13/3/1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử, Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Khu di tích nhà Trần ở tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.
 
Phan Thị Thúy Vân
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN