Image
Loading
22/09/2020 10:57 SA
Chùa Bí Thượng mang tên làng Bí Thượng, thuộc tổng Bí Giang (sau gọi chệch thành Bí Giàng), huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Cuối thời Nguyễn thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Nay thuộc phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Là một trong số các ngôi chùa trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt – Khu Di tích lịch sử và và danh thắng Yên Tử.
Chùa Bí Thượng (chụp từ phía sau)
 
Chùa Bí Thượng xưa kia vốn không nằm trên con đường lên Yên Tử của vua Trần Nhân Tông, nhưng nằm trên con đường hành hương quen thuộc của người đời sau. Việc xây dựng một ngôi chùa ở cửa ngõ Yên Sơn để làm trạm dừng chân cho khách giữa độ đường là cần thiết. Vì vậy chùa Bí Thượng tham gia vào hệ thống chùa tháp ở Yên Tử và trở thành ngôi chùa đầu tiên (chùa trình) trong tuyến đường hành hương vào Yên Tử.
 
Qua kết quả khai quật khảo cổ học năm 2006 để xây dựng chùa mới hiện nay, chùa Bí Thượng xưa được khởi dựng vào cuối thời Hậu Lê, trên sườn phía Nam của một quả đồi dốc. Chùa quay hướng Tây Nam, xây dựng với quy mô nhỏ, kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, chiều Đông Tây rộng 4,4m, chiều Nam Bắc rộng 5m. Cấu trúc khung cột gỗ kê trên chân tảng đá kiểu hai vì chính, hai vì phụ. Hai vì chính cách nhau 2,8m. Vì phụ cách vì chính 0,8m. Khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa được xây dựng lại trên nền cũ, vẫn kiểu chữ “Nhất” nhưng nhỏ hơn nền chùa trước. Hai vì chính cách nhau 2m. Vì phụ cách vì chính 0,9m. Khoảng đầu thập kỷ hai mươi của thế kỷ XX, chùa bị hỏa hoạn. Có bà họ Bùi (vợ của Bá Liên) đã phát tâm công đức xây dựng lại theo kiểu chữ “Đinh”, rộng hơn nền chùa trước, có ba gian tiền đường và một gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy. Năm 1993, chùa lại được xây dựng lại bằng xà, cột bê tông, lợp ngói tây.
 
Đi từ Hạ Long đến Yên Tử, chùa Bí Thượng nằm phía bên trái đường, cách quốc lộ 18 chừng một trăm mét, ở khu vực ngã ba Dốc Đỏ vào Yên Tử. Cuối năm 2006, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, chùa Bí Thượng và các công trình phụ cận xung quanh đã xây dựng lại khang trang như hiện nay và nằm trong khuôn viên rộng lớn của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh.
 
Gian thượng điện chùa Bí Thượng
 
Chùa quay hướng Tây Nam. Trước chùa có bậc lên xuống và cổng vào, nhưng lối đi này ít mở nên vào chùa bằng con đường phía sau. Cổng chùa xây giống như một lầu nhỏ, hai tầng bốn mái, lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong đầu rồng. Có bốn cột trụ xây đèn lồng cổ bồng ở bốn góc, đắp nổi hình búp sen và hình tứ linh. Bên trái cổng vào chùa có hai tháp mộ sư mới được tu sửa lại, không có bia, bài vị. Cách một khoảng sân lát đá xanh vuông phục chế là đến chùa chính. Tại sân chùa có một lầu hương bằng đồng, cao khoảng 1,3m đặt trên bệ xây.
 
Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, ba gian hai chái tiền đường và ba gian hậu cung. Trên bờ nóc tiền đường đắp hàng gạch hoa chanh, chính giữa đắp nổi bức đại tự ghi “Bí Thượng tự” (chùa Bí Thượng). Hai góc mái đắp nổi đầu rồng ngậm bờ nóc, có dải mây cuộn tròn bay lên. Các góc mái uốn cong hình mây cuộn và có đầu rồng ngậm góc mái. Mái hậu cung thu hồi bít đốc. Ba gian giữa tiền đường có hệ thống cửa chấn song bức bàn. Hai chái xây kín, không để hiên, có cửa sổ hình bánh xe luân hồi của Phật giáo. Nền chùa cao hơn sân 1m với 5 bậc thềm đá ghép.
 
Tiền đường có sáu bộ vì kèo cột gỗ với bốn hàng cột, hai hàng cột cái mười hai chiếc, hai hàng cột quân mười hai chiếc. Cột được kê trên đá tảng. Các bộ vì được liên kết với nhau bằng xà hạ, xà trung và xà thượng, làm tăng thêm độ vững chắc cho bộ khung. Hàng cột quân phía trước được dùng làm trụ cửa. Kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Câu đầu, đầu dư và con rường bào trơn, chạy chỉ, chạm hoa văn lá lật.
 
Chùa mới được xây dựng lại nên toàn bộ tượng pháp và đồ thờ trong chùa đều được làm mới. Gian bên trái của tiền đường thờ Đức ông. Có một hương án gỗ được chia ô chạm trổ cầu kỳ hình rồng uốn lượn và các hoạ tiết hoa thị. Trên hương án đặt pho tượng Đức Ông ngồi giữa, hai bên là tượng hầu Phạm Thiên và Đế Thích, một lư hương đồng đúc nổi hình hổ phù và hai con rồng chầu ở miệng của lư hương, hai cây nến đồng, hai đài gỗ và hai bình hoa sứ. Phía trước ban thờ treo một cửa võng gỗ chạm hình cuốn thư ở giữa cùng hoạ tiết hoa văn hình kỷ hà và một chuông đồng mới treo gần sát đầu hồi.
 
Gian bên phải của tiền đường thờ Đức Thánh Hiền. Hương án và toàn bộ đồ thờ được bài trí đối xứng với gian bên trái. Trên hương án đặt tượng Đức Thánh Hiền ngồi giữa, hai bên là tượng hầu Diệm Nhiên và Đại sỹ. Đầu hồi gian bên phải có một ban thờ Thánh Tăng đứng trên đài sen, đầu đội mũ tỳ lư thất Phật, mình mặc áo cà sa, tay trái kết ấn, tay phải cầm tích trượng. Hai bên lối vào hậu cung là hai tượng kim cương uy nghi lẫm liệt hộ trì Phật pháp.
 
Hậu cung nối với gian giữa của tiền đường, có ba gian với ba bộ vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, chạm trổ giống như ở tiền đường. Hai bên có cửa ra vào và hai cửa sổ chữ thọ, tạo độ thông thoáng cho hậu cung. Trên tất cả các bộ vì kèo ở hậu cung đều treo cửa võng, chạm trổ kênh bong sơn son thiếp vàng.
 
Hiện vật gian hậu cung tính từ ngoài vào là một sập gỗ dùng để nhà sư ngồi tụng niệm, có chuông, mõ và giá để đọc kinh. Tiếp đến là một bệ thờ gỗ, trên đó đặt một lư hương đồng đúc nổi hình hổ phù và lưỡng long chầu nhật, một đỉnh hương đồng, hai hạc đồng, hai cây nến đồng, có hai lộc bình sứ màu, cao khoảng 1,4m đặt hai bên. Tiếp đến là một sập thờ gỗ chân quỳ hổ phù, chạm trổ cầu kỳ hình tứ linh tứ quý, trên đó đặt toà cửa long Thích Ca sơ sinh, hai đài gỗ to, hai bình hoa sứ to. Tiếp đến là một sập thờ gỗ đặt một bát hương đồng to đúc nổi lưỡng long chầu nhật, một pho tượng Quan Âm Chuẩn Đề hai mươi tư cánh tay, tọa thiền trên đài sen, có hai cây nến gỗ cao hơn 3 mét (cả đế) được kết bằng hai mươi tầng cánh sen, trong mỗi cánh sen là một tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen, trên cùng của cây nến cũng có một tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen. Tiếp đến là tượng Thích Ca ngồi trên đài sen, tay phải cầm bông sen, tay trái cầm hạt ngọc. Hai bên có tượng A Nan và Ca Diếp đứng trên đài sen. Tiếp đến là tượng A Di Đà, hai bên là tượng Pháp Hoa Lâm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Trên cùng là ba pho tượng Tam Thế tọa thiền trên đài sen.
 
Nhà tả vu, hữu vu thờ Thập bát La Hán
 
Nằm song song với chùa chính là hai dãy nhà tả vu, hữu vu thờ Thập bát La Hán. Mỗi dãy nhà có chín gian thông nhau, không có cửa, vì kèo cột bằng gỗ với hai hàng cột, mái lợp ngói mũi hài, hai hồi bít đốc. Mỗi vị La Hán được tạc theo một phong cách và thể hiện nội tâm khác nhau.
 
Nhà Tổ ở phía sau chùa chính, kiến trúc chữ “Nhất” năm gian, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi bít đốc. Hệ thống cửa ra vào bằng gỗ chấn song bức bàn. Có sáu bộ vì kèo, cột bằng gỗ, hai hàng cột cái mười hai chiếc, một hàng cột quân phía trước sáu chiếc làm trụ cửa ra vào, không có cột quân phía sau. Vì kèo nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Vì kèo nách kiểu kẻ chuyền, vươn ra ngoài làm bẩy hiên. Phía trước Nhà Tổ có một lư hương đồng to.
 
Gian giữa Nhà Tổ thờ ba vị Tam Tổ Trúc Lâm thời Trần, tọa thiền trên đài sen. Tượng được làm bằng đồng hun. Phía sau tượng là bức phù điêu bằng đồng khắc họa bản đồ đất nước Việt Nam trên nền mặt trống đồng Đồng Sơn, hai bên có rồng chầu. Phía trước tượng có bát hương đồng, chuông đồng, mõ gỗ tụng kinh, hai cây nến đồng, một mâm bồng đồng, hai lọ hoa sứ và bốn đài gỗ. Có hai tượng Bồ Tát đứng hai bên ban thờ.
 
Gian bên trái thờ Trần Triều. Tượng tạc bằng gỗ, ngồi trên bệ. Có hai tượng hầu đứng hai bên. Phía trước tượng có một bát hương đồng, hai đài gỗ và hai lọ hoa sứ.
 
Gian bên phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Ngàn và Mẫu Thủy). Tượng tạc bằng gỗ, ngồi trên bệ. Đồ thờ được bài trí giống như ban thờ Trần Triều. Tại ba gian thờ ở Nhà Tổ đều treo cửa võng gỗ, chạm trổ kênh bong hình tứ linh, tứ quý, sơn son thiếp vàng.
 
Phía sau nhà tả vu (bên trái chùa chính) có một ngôi mộ cổ đã được khai quật. Hiện nay đang được giữa nguyên trạng, làm nhà mái tôn và lấp cát bảo vệ tạm thời. Năm 2006, trong quá trình khai quật khảo cổ học, tại sân chùa Bí Thượng (hơi chếch về bên trái, thấp hơn nền chùa) đã phát hiện một ngôi mộ cổ, đỉnh vòm mộ ở độ sâu cách bề mặt sân gạch 41cm. Mộ có hình chữ nhật, chiều dài 6,56m, rộng từ 1,23 đến 1,28m, thành mộ cao từ 1,7 đến 2m, phần trên mái của mộ hình vòm cuốn. Cả thành mộ và mái đều được xây bằng gạch. Đây là ngôi mộ gạch hiếm hoi được phát hiện ở Quảng Ninh trong tình trạng còn giữ nguyên vẹn cấu trúc mộ và đồ tùy táng chôn theo. Theo các nhà khoa học, ngôi mộ này có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ III - IV. Có nhiều nét khác biệt với các ngôi mộ Hán đã khai quật trước đây ở Quảng Ninh. Chủ nhân của ngôi mộ thuộc tầng lớp trung lưu. Đây là nguồn tài liệu quý, góp phần nghiên cứu lịch sử Quảng Ninh giai đoạn thế kỷ thứ III - IV. Đặc biệt là những vấn đề về văn hóa, xã hội, tập tục tang ma trong bối cảnh tiếp nhận các yếu tố văn hóa ngoại lai và bảo lưu các yếu tố văn hóa truyền thống ở Quảng Ninh.
 
Ngày 13/3/1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt.
 
Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử đang được tỉnh Quảng Ninh phối hợp với tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.
 
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN