Theo những nghiên cứu khoa học và tài liệu lịch sử, Quan Lạn được xác định là trung tâm Thương cảng cổ Vân Đồn cũng là cảng ngoại thương đầu tiên của nước Đại Việt. Vua Lý Anh Tông năm 1149 cho lập trang Vân Đồn, mở ra thương cảng buôn bán sầm uất, trung chuyển các loại hàng hóa cho thương thuyền của các nước.
Sự thành lập của trang Vân Đồn được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Kỷ Tỵ, [Đại Định] năm thứ 10 [1149], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào hải đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”.
Từ những năm 1990 đến nay, Viện Khảo cổ học đã tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ tại Quan Lạn và thu được hàng nghìn di vật. Qua đó cho thấy, Cống Cái - Sơn Hào (thuộc Quan Lạn) là địa điểm quan trọng trong hệ thống Thương cảng cổ Vân Đồn; chứng tỏ có một thời, đây là nơi giao thương, buôn bán sầm uất, dân cư sinh sống đông đúc.
Cùng với những di vật chứng minh sự tồn tại của Thương cảng cổ Vân Đồn, Quan Lạn còn lưu giữ được hệ thống công trình tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh có giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Tiêu biểu là Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn - cụm di tích đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. Trong đó, đình Quan Lạn là ngôi đình duy nhất được xây dựng ngoài đảo xa của Việt Nam. Đình còn giữ được 19 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến, sắc tặng cho các vị thần. Ngôi đình là cột mốc văn hoá khẳng định sức sống mãnh liệt trường tồn của văn hoá Việt Nam ở một vùng đất cửa biển nơi giao thoa nhiều nền văn hoá quốc tế.
Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi diễn ra hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc với lễ hội đua thuyền từ ngày 10 đến 20/6 âm lịch hàng năm. Lễ hội vừa là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần và chiến thắng của vị tướng Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương nhà Nguyên, vừa là ngày hội cầu mùa trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy của ngư dân vùng biển đảo.
Cùng với những công trình văn hóa, tín ngưỡng có từ lâu đời, Quan Lạn còn sở hữu hệ thống những ngôi nhà cổ trên, dưới 100 tuổi với nét kiến trúc độc đáo riêng có, phù hợp để phát triển du lịch và trở thành điểm tham quan cho du khách. Ngôi nhà cổ của gia đình cụ Vũ Thị Dược và Nguyễn Văn Di ở thôn Thái Hòa hiện đã được xã Quan Lạn đưa vào không gian hoạt động của tuyến phố đi bộ, trở thành một điểm nhấn thu hút du khách.
Xác định hệ thống di tích lịch sử, công trình văn hóa, tín ngưỡng, nhà cổ dày đặc chính là lợi thế riêng có để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, thời gian qua, xã Quan Lạn đã triển khai nhiều biện pháp để quảng bá các giá trị du lịch văn hóa tới đông đảo du khách, xác định lấy văn hóa làm trụ cột để phát triển sản phẩm du lịch bền vững, bốn mùa.
Ông Hoàng Huy Sầm, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, UBND xã Quan Lạn đã đề xuất huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan có thẩm quyền cho trùng tu, tôn tạo các công trình xuống cấp với quan điểm, bảo tồn tối đa các yếu tố văn hóa gốc. Xã cũng xây dựng các tour du lịch văn hóa lịch sử văn hóa; thiết kế và cho đăng tải bản đồ Du lịch đảo Quan Lạn tại các nơi công cộng, các điểm du lịch để du khách dễ dàng tra cứu thông tin điểm đến qua việc quét mã QR. Sắp tới, khi khu nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn - Hạ Long Bay đi vào hoạt động, Quan Lạn sẽ đón thêm được dòng khách nghỉ dưỡng cao cấp. Địa phương sẽ phối hợp với khu nghỉ dưỡng xây dựng các tour du lịch văn hóa, lịch sử, để du khách có cơ hội hiểu thêm, ngoài vẻ đẹp của một thiên đường biển đảo, Quan Lạn còn là vùng đất với những trầm tích văn hóa lịch sử hiếm nơi nào ở Việt Nam có được”.
Theo baoquangninh.vn