Cựu chiến binh Vũ Đình Lộc từng là chiến sĩ thuộc Sư đoàn bộ binh 341 hay còn được gọi là Đoàn Sông Lam, lực lượng chủ đạo của Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dù đã lùi xa 50 năm, nhưng ký ức về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt và anh dũng của quân dân ta vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính năm xưa. Với ông, đó là kỷ niệm không thể phai nhòa trong suốt cuộc đời. 

Ngày ấy thanh niên trẻ Vũ Đình Lộc là sinh viên của Trường Đại học Lâm nghiệp ở Bắc Mã, Đông Triều. Thời điểm chiến tranh ở miền Nam diễn ra ác liệt, giặc Mỹ âm mưu leo thang bắn phá miền Bắc, ông từ giã giảng đường, xung phong ra chiến trường. Sau nhiều tháng huấn luyện, ông Lộc được phân công về bộ phận thông tin vô tuyến điện của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn bộ binh 341.

Trong những tháng năm bom đạn, chiến sĩ thông tin Vũ Đình Lộc cùng các đồng đội của Đoàn Sông Lam đã góp mặt ở những trận chiến cam go, ác liệt nhất; chiến đấu ngoan cường để giữ vững mạch thông tin thông suốt, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Chiến sĩ Vũ Đình Lộc (Ảnh chụp năm 1972)

Trải qua nhiều trận đánh với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng ông vẫn nhớ như in những ký ức về trận Trảng Bom vào đêm 26, rạng sáng ngày 27/4/1975; mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng Đông Sài Gòn, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, mở cánh cửa trên tuyến Quốc lộ 1A để đại quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Sư đoàn 341 và các đơn vị phối thuộc của chúng tôi được lệnh đánh vào Trảng Bom. Đội hình Trung đoàn Bộ binh 273 được tăng cường 1 trung đội pháo 85mm, 1 trung đội cối 120mm, đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Đông Bắc. 4 giờ 5 phút sáng ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công địch. Sau khi pháo bắn chuẩn bị, từ các hướng, quân ta nhanh chóng mở thông các cửa mở, đưa lực lượng vào tiến công địch. Tiểu đoàn 1 của chúng tôi tổ chức 2 mũi, 1 mũi đánh vào chốt tam giác, 1 mũi đánh vào trận địa pháo. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, địch bắn tới tấp vào hướng tiến của quân ta. Nhưng với sự yểm trợ của xe tăng, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh lợi dụng địa hình xông lên tiêu diệt các ổ đề kháng của địch.

Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 341 cơ bản tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ từ ngã ba địa phận Sông Thao đến Tây Trảng Bom, dồn lực lượng còn lại của địch về phía Suối Đỉa, Long Lạc. Đến 10 giờ 30 phút, toàn bộ quân địch ở Suối Đỉa bị tiêu diệt. Với kết quả đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mở cửa thành công, tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 cơ động lực lượng vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.

Ông Lộc hồ hởi chia sẻ “Niềm tự hào của người lính Sư đoàn năm ấy chính là tinh thần ý chí chiến đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Thế rồi ký ức vui tươi ấy lắng lại khi ông nhớ về người đồng đội của mình: “Trong trận này tôi là thông tin vô tuyến, vận động bám sát đội hình của Tiểu đoàn bộ, tận mắt chứng kiến sự chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh của đồng đội, trong đó có người bạn tôi từng rất yêu quý, anh Nguyễn Thế Tiến, sinh viên Đại học Lâm Nghiệp, cùng nhập ngũ với tôi. Anh hy sinh khi yểm trợ cho một đồng đội dùng B41 tiêu diệt xe tăng địch, chỉ vài ngày trước khi đất nước toàn thắng...”.
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Lộc cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trên chiến trường.

Cựu chiến binh Vũ Đình Lộc cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trên chiến trường.

“Thời điểm quân đoàn tiến vào trung tâm Sài Gòn, niềm vui như vỡ òa như trong mơ. Bà con ùa ra đường, hân hoan vẫy chào bộ đội. Đặc biệt những thanh niên, sinh viên tầm tuổi chúng tôi, không biết tên tuổi quê quán nhưng tay bắt mặt mừng, nhiều người vừa cười vừa chảy nước mắt xúc động. Tôi đặt quân trang và ba lô đựng vô tuyến điện xuống ngay vệ đường, đứng lặng nhìn về phía Dinh, lòng thầm nhủ: “Tiến ơi… chúng ta chiến thắng rồi. Đất nước giải phóng rồi. Bạn ở trên trời có nhìn thấy không…”.

Những dòng ký ức cứ thế tuôn chảy, người cựu chiến binh rơm rớm nhớ về những đồng đội đã sát cánh kề vai trong bom đạn nhưng chẳng thể cùng trở về khi đất nước hòa bình. Ông cũng kể thêm về chuyến hội ngộ những đồng đội Đoàn Sông Lam cuối tháng 3 vừa qua ở vùng đất Nghệ An, chia sẻ những nỗi niềm nửa buồn nửa vui khi biết mình đã mang di chứng của chất độc da cam Dioxin sau những ngày ăn rừng ngủ núi… “Dù thời bình hay thời chiến vẫn phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có thể trở về, xây dựng đất nước” - ông Lộc quả quyết…

 
 
 
 

Từ mọi hướng, các cánh quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Lược đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

 
 
 

Cũng trong lứa sinh viên đại học Lâm nghiệp tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ; cựu chiến binh Phạm Tuấn Hùng hiện sống ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long) từng là chiến sĩ xe tăng thuộc Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp. Ông đã cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày đại thắng lịch sử.

CCB Phạm Tuấn Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm với chiếc xe

CCB Phạm Tuấn Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội Lữ đoàn 203 chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập.

“Ngày đó tôi còn là một người lính, được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là một niềm vinh dự, tự hào. Và tôi cũng lấy đó để tu dưỡng bản lĩnh chính trị, tu dưỡng bản thân xứng danh với người lính Cụ Hồ”. ông Hùng khẳng khái kể.

Nhập ngũ từ năm 1971, ông Hùng được cử đi học lái xe tăng 6 tháng, sau đó được phân vào Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp. Cùng đồng đội, ông đã thực hiện 4 cuộc hành quân xuyên rừng băng núi, vào Nam, ra Bắc dài gần 7.000km; hiệp đồng chiến đấu giải phóng Cố đô Huế, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo Hải Vân, tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng, đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang... Từ miền Trung khói lửa, người lính bộ binh Phạm Tuấn Hùng cùng đồng đội tiến vào chiến trường miền Nam trên những chiếc tăng thiết giáp.

“Tôi không thể nào quên thời khắc lịch sử trước ngày giải phóng. Khi đó tôi là trợ lý kỹ thuật thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203. Đúng 17 giờ ngày 29/4/1975, tôi cùng xe tăng 866 của đồng chí Lê Tiến Hùng, Trung đội trưởng, bước vào cuộc chiến ác liệt nơi cửa ngõ Sài Gòn, đánh vào căn cứ Nước Trong, Thủ Đức, Cam Bình...

ẢNH

Bức ảnh đồng chí Phạm Tuấn Hùng chụp ngay sau ngày giải phóng.

Tham gia chiến dịch, Đại đội 3 của chúng tôi được phân công đánh vào Dinh Độc Lập và cắm cờ trên phủ Tổng thống ngụy ở Sài Gòn. Toàn bộ các cờ cắm trên xe của Đại đội đều đã ghi rõ số xe và biệt danh đơn vị là “Gia Nghĩa”. Khoảng 7 giờ sáng ngày 30/4, xe tăng 866 có Trung đội trưởng Lê Tiến Hùng và tôi đi đầu, đến phía đông chân cầu Sài Gòn, thấy rất nhiều xe tăng và xe bọc thép của địch xuất hiện. Đồng chí Hùng quay lại bảo tôi: “Xe mình đi đầu rất nguy hiểm. Cậu là trợ lý kỹ thuật của cả đơn vị, giờ xuống xe sau để theo dõi, sửa chữa, chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp”.

Tôi thực hiện chỉ đạo xuống đi cùng xe tăng 910, do đồng chí Giám, quê ở Thanh Hoá chỉ huy, đi ngay sau xe của đồng chí Hùng. Đến giữa cầu Sài Gòn, xe 866 bị pháo địch bắn vào cửa pháo 2, 2 đồng chí bộ binh phối hợp đã hy sinh. Xe 910  nhanh chóng tiến lên, tiếp tục đánh vào trung tâm Sài Gòn. Xe số 843 của đại đội 4 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy (người cắm lá cờ lịch sử trên Dinh Độc Lập) vượt lên trước. Xe 910 của chúng tôi đi phía sau, đến hơn 10 giờ cũng tiến vào Dinh. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, đất nước đã được thống nhất...”.

Người cựu chiến binh khoe tấm ảnh chân dung chụp ngay sau ngày đất nước thống nhất: “Trằn trọc mãi vì niềm vui giải phóng, sáng hôm sau tôi dậy sớm, vào hiệu ảnh chụp luôn 1 tấm với bộ quân phục vẫn lấm lem dầu nhớt khi sửa xe. 50 năm mà ảnh vẫn nét lắm…”.

Anh mắt ông Hùng còn ánh lên niềm vui khi kể về những người đồng đội: “Nhiều năm sau này tôi có dịp gặp lại đồng chí Lê Tiến Hùng trong những lần hội ngộ của Lữ đoàn. Giờ chúng tôi đều cao tuổi rồi nhưng nhớ lại những ngày chống Mỹ vẫn thấy như mới hôm qua. “Đã ra quân là đánh thắng”, anh em chúng tôi vẫn nhắc lại khẩu hiệu của Lữ đoàn, như một lời thề thiêng liêng của những người lính xe tăng dù trong thời chiến hay lúc hòa bình…”.

 
 

Cùng góp mặt trong chiến thắng lịch sử của dân tộc; cựu chiến binh Bùi Văn Quyệt (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 101, Sư đoàn 325A, Quân đoàn 2, vẫn nhớ mãi từng giờ khắc gian lao trên cửa ngõ Long Thành ngày 26/4/1975, trận chiến ngay trước giờ mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 của tôi được phân công ém quân tại khu vực rừng cao su sát chi khu Long Thành. Đây là vị trí trọng yếu của địch, nếu giải phóng được vị trí này thì pháo tầm xa 130mm của ta sẽ khống chế được Sân bay Tân Sơn Nhất và toàn bộ Sài Gòn. Địch tử thủ chống trả quyết liệt, quân ta có nhiều đồng chí hy sinh. Các đơn vị phải thay đổi chiến thuật, từ đánh nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, giải quyết từng điểm kháng cự của địch. Sau hai ngày chiến đấu ác liệt đến chiều 28/4/1975, quận lỵ Long Thành (huyện Long Thành ngày nay) hoàn toàn được giải phóng, mở đường tiến công hướng Đông Nam vào giải phóng Sài Gòn” - ông Quyệt kể.

Sau đó, Trung đoàn 101 của ông cùng các đơn vị thuộc Sư đoàn 325A tiếp tục vượt phà Cát Lái đi sang quận 9 (TP Thủ Đức ngày nay) với khí thế hừng hực, đến sáng ngày 30/4 thì hợp nhất với quân đoàn 2, tiến vào Dinh Độc Lập trong niềm vui thống nhất.

Ảnh ông Quyệt (bên trái) chụp năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị.

Trở về thời bình, phát huy những phẩm chất của người cán bộ chính trị trong Quân đội, CCB Bùi Văn Quyệt vững vàng trong vai trò báo cáo viên của Hội Cựu chiến binh phường Minh Thành. Qua kênh thông tin tuyên truyền miệng, ông giúp hàng nghìn hội viên CCB, học sinh, nhân dân trong tỉnh nắm được những sự kiện quan trọng của đất nước, thế giới; hiểu sâu thêm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Ở tuổi 82, sức khỏe ông Quyệt đã ít nhiều giảm sút, nhưng vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hằng năm, ông vẫn được mời đến các trường trung học phổ thông, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền lịch sử, truyền thống cho học sinh, hội viên và người dân. Ông tự hào kể về truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam; những trận đánh hào hùng với tinh thần quyết tử của thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”... và đặc biệt là cảm xúc trong ngày thống nhất đất nước: “Trên các nẻo đường, tôi chứng kiến nhiều người bật khóc vì niềm vui chiến thắng, những người lính nghẹn ngào nhớ về những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, quê hương...”.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa không bao giờ quên đồng đội đã hy sinh trên chặng đường đi tới ngày đại thắng. Mừng vui được trở về nhưng dường như một phần tâm hồn họ vẫn mãi sống trong ký ức của một thời hoa lửa xả thân cứu nước, lấy đó làm động lực tiếp tục gìn giữ phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, gửi trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Theo baoquangninh.vn