Image
Loading
29/05/2020 08:59 SA
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV thời Lê Sơ, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo.

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV thời Lê Sơ, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo.


Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV thời Lê Sơ, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Mâm bồng gồm 2 phần liền nhau, phía trên là mâm tròn rộng, gờ miệng cắt khấc hình cánh sen, thành cong, đáy lõm tô nâu, chân thấp, vành chân đục lỗ nhỏ treo đồ trang trí.
 
Trọng lượng (gram): 5.500gram;
 
Kích thước: Cao tổng thể: 27,2cm;Cao chân: 18,6cm; Đường kính miệng: 41,5cm; Đường kính chân: 19cm;
 
Chất liệu: Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu được chế tạo từ đất sét trắng có hàm lượng cao lanh cao, hàm lượng nhôm trong cốt gốm chiếm trên 40%; số loại tạp chất không nhiều và tỉ lệ tạp chất không cao, điều này minh chứng rằng nguyên liệu làm cốt gốm của mâm bồng được làm từ loại đất sét có hàm lượng cao lanh cao lại được tinh lọc rất cẩn thận;
 
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (thời Lê sơ) nom tựa một đóa sen,
đĩa vẽ họa tiết cá hóa rồng, bao quanh bởi 9 linh thú độc đáo...
 
Kỹ thuật tạo dáng, phủ men, vẽ hoa văn của mâm bồng có những nét khác biệt: Các bộ phận mâm, cổ và chân được tạo rời, sau đó được ghép trước khi vẽ trang trí lớp dưới men. Phần mâm,cổ và chân đế được tạo dáng bằng kỹ thuật chuốt dáng trên bàn xoay. Hình khối cánh sen trên miệng mâm được khắc tạo dáng sau khi cốt gốm của mâm đã tương đối cứng;Mâm bồng là loại gốm vẽ nhiều màu vì thế quy trình trang trí, tráng phủ men và nung phức tạp hơn rất nhiều so với loại gốm vẽ một màu. Khi phần mộc hoàn chỉnh, phôi gốm đạt độ cứng nhất định, người thợ làm gốm thực hiện kỹ thuật vẽ màu trên phôi gốm. Sau khi hoàn thiện vẽ màu lam và phơi khô, hiện vật được phủ men. Men được phủ bằng các kỹ thuật nhúng, tráng, vv… đảm bảo các vị trí cần tráng men đều được phủ men trước khi đưa vào lò nung lần thứ nhất (bước vẽ hoa văn và tráng men này được gọi là vẽ dưới men). Sau khi nung xong lần thứ nhất, đồ án hoa văn trang trí được tiếp tục hoàn thiện bằng việc vẽ thêm các màu khác trên nền tảng của đồ án đã được vẽ bằng màu lam trước đó, khi các đồ án trang trí được vẽ hoàn thiện, sản phẩm được đem vào lò nung lại một lần nữa, đây là lần nung thứ hai, các màu được vẽ trước khi nung lần thứ hai (bước vẽ hoa văn và tráng men này được gọi là vẽ trên men).
 
Quan sát tổng thể, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu giống như một đóa sen với phần mâm phía trên chính là bông sen, cổ và thân là cuống của bông sen. Ở góc nhìn thẳng từ trên xuống, nó tựa một đoá sen đang độ khai mãn mà đài sen chính là lòng đĩa với họa tiết cá hoá rồng được bao quanh bởi 9 linh thú, thành đĩa uốn cong với nhiều lớp cánh sen ôm lấy đài sen, hình ảnh cá chép hoá rồng trên mâm bồng thể hiện nhiều tầng lớp triết lý, thông qua đó phản ánh đời sống tinh thần, các yếu tố văn hoá của thời đại.Hiện vật là một tác phẩm nghệ thuật nổi trội về giá trị thẩm mỹ, khẳng định bước phát triển đột biến trong kỹ thuật, mỹ thuật của người thợ gốm.
 
Mâm bồng (gồm: mâm, cổ, chân đế). Mâm nằm ở trên cùng có cấu trúc giống như loại đĩa lớn sâu lòng, thành uốn cong, miệng giật cấp và tạo hình cánh sen (ĐK miệng: 41,3-41,5cm; ĐK đáy: 20,6cm; Cao 8,5cm; lòng đĩa sâu 6,5cm). Phần cổ nằm ở giữa, hai đầu trên dưới có cấu trúc tròn và thắt lại; phần giữa hình lục giác, phình ra và giật lại 2 cấp; Chân đế có cấu trúc hình bán cầu, mặt với 6 điểm nhô ra tạo thành 6 chân kiểu chân quỳ, phần giữa các chân thụt vào thành các hộc nông; toàn bộ 6 chân và hộc đặt trên vành tròn, là điểm tiếp giáp của đế (toàn bộ phần cổ và chân cao 18,5cm, ĐK đáy vành tròn là 19cm).Các dải băng hoa văn, đồ án hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí trên mâm bồng: Cá chép hoá rồng, linh thú, cánh sen, long mã, nhân vật, vv…;Các đường nét chủ đạo được vẽ bằng nhiều màu sắc khác nhau: màu lam, màu nâu đỏ và màu vàng ánh kim để tạo các điểm nhấn cũng như hình khối khiến hoạ tiết càng trở nên sống động và rực rỡ.
 
Hình dáng của mâm bồng không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn là biểu trưng của tư tương với chiều sâu văn hoá. Mâm có cấu trúc một đài sen, một biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo, triết lý từ bi, hỷ xả đã như một mạch nguồn chảy trong máu của mỗi người thợ cũng như người Đại Việt mà từ đó kết tinh qua hình dáng, hoạ tiết trang trí trên sản phẩm. Không chỉ có vậy, giá trị nghệ thuật và tư tưởng thể hiện rõ nét qua các đề tài trang trí trên Mâm bồng với 3 nhóm đề tài: đề tài liên quan và thể hiện các triết lý hay tư tưởng của Phật giáo; đề tài liên quan và thể hiện triết lý hay tư tưởng của Đạo giáo và Đề tài liên quan và thể hiện triết lý hay tư tưởng của Nho giáo. Theo đó: Đề tài Cá hoá rồng là đề tài mang tính chủ thể, thể hiện tư tưởng của Nho giáo trong việc học tập, tu dưỡng bản thân để mong có thể thành danh giúp đời, giúp người; Họa tiết hoa sen không chỉ hỗ trợ để tôn lên hình khối của mâm và đề tài chính của đồ án trang trí mà còn thể hiện những giá trị biểu trưng của Phật giáo; Các đồ án sừng tê, ngọc báu, sinh tiền trang trí trên cổ mâm bồng là các đồ án trong bộ Bát bửu (tám vật báu); hình ảnh nhân vật trang trí trong các hộc chân đế là những đề tài nằm trong bộ đồ án Bát tiên (tám vị tiên) của Đạo giáo với phép tu tiên, sử dụng các bùa phép thể hiện cầu chúc những điều may mắn và thành công.
 
Như vậy, dù mỗi đồ án trang trí trên mâm bồng thể hiện các triết lý hay tư tưởng của Đạo, Nho hay Phật giáo song có thể thấy, sợi dây xuyên suốt trong các đề tài trang trí này là mong muốn thể hiện sự cố gắng và thành công, nó cũng đem đến một triết lý, ngoài sự nỗ lực cố gắng để đem lại thành công luôn cần có sự may mắn.Với chất lượng sản phẩm cao; hoa văn phong phú, đề tài trang trí và đặc biệt là màu sắc và chất liệu tạo màu để vẽ hoa văn cho phép các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là một sản phẩm gốm men cao cấp thời Lê sơ (thế kỷ XV). Vật phẩm này không sản xuất để giành cho rộng rãi các đối tượng trong xã hội mà đây là sản phẩm chỉ giành cho tầng lớp cao trong xã hội đương thời.
 
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc của gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Nếu như thời Lý - Trần tiêu biểu bởi các dòng sứ men trắng, gốm men lục và gốm hoa nâu thì gốm thời Lê sơ tiêu biểu là dòng gốm men vẽ lam và đặc sắc nhất là loại gốm men vẽ nhiều màu. Mâm bồng này hội tụ và thể hiện trình độ và giá trị của gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ, thuộc nhóm gốm đặc sắc - gốm men vẽ nhiều màu. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng: Ở Việt Nam, kỹ thuật gốm men vẽ nhiều màu xất hiện và phát triển mạnh dưới thời Lê sơ thế kỷ XV, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng,… thì gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men, kỹ thuật này đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Do vậy, việc xuất hiện kỹ thuật dùng kim loại vàng làm màu vẽ thể hiện trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ của Đại Việt thế kỷ XV, điều này càng minh chứng cho sức sáng tạo của các thợ gốm Đại Việt.
 
Với những giá trị đó, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu được công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nâng tổng số Bảo vật Quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh là 05 (năm) Bảo vật./.
Vũ Thị Kim Dung-BTQN
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

  • 23/11/2023 12:00 SA

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).