Image
Loading
14/07/2021 03:29 CH
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian 9 lần về thăm và làm việc với Quảng Ninh vào các năm: 1946, 1957, 1959, 1960, 1961, 1962 (2 lần), 1963 và năm 1965.
Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô
 
Trong những lần về thăm Quảng Ninh, Bác đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc và đặc biệt nhất đó là ngày 9/5/1961 khi Bác đến Cô Tô.
 
Nhận được tin Bác đến, Uỷ ban hành chính xã Cô Tô, huyện Cẩm Phả và tỉnh Hải Ninh (cũ) cùng một số đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo và nhân dân các dân tộc ở đây đã tổ chức long trọng đón Bác.
 
Đền thờ Bác Hồ
 
Từ mờ sáng, rừng cờ, hoa, khẩu hiệu và gần bốn ngàn dân trên đảo từ già trẻ gái trai đã nô nức mong chờ đón Bác. Khoảng 8 giờ sáng, chiếc máy bay trực thăng từ từ hạ cánh. Bác bước xuống cầu thang trong tiếng hô chào mừng vang dội cả một vùng biển đảo. Bác bắt tay các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, động viên các chiến sỹ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi, học sinh…
Nhà lưu niệm Bác Hồ
 
Trong buổi nói chuyện đầy tình cảm thân mật, Bác khuyên cán bộ chiến sỹ và đồng bào trên đảo phải đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bác quan tâm đến nông nghiệp, thuỷ lợi, nghề đánh bắt cá, làm muối và nuôi trồng bảo vệ nguồn lợi hải sản quý hiếm, trồng cây lấy gỗ chắn gió, củng cố hợp tác xã, thanh toán nạn mù chữ và đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá cho cán bộ, nhân dân, vệ sinh phòng bệnh, trật tự an ninh quốc phòng, tổ chức Đoàn, Đảng… Bác căn dặn và động viên quân và dân trên đảo: “Thủ đô Hà Nội, tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn qua tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, tiến bộ”.
Không gian bên trong Nhà lưu niệm Bác Hồ
 
Sau khi nói chuyện, Bác đi thăm một số cơ sở sản xuất trên đảo như: Thăm ruộng khoai, thăm cánh đồng muối, thăm một số nhà dân trên đảo.
 
Thời gian Bác đến tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại biết bao tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân trên đảo. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 12/11/1962 khi Bác trở lại thăm, Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Ninh (cũ) đã xin phép Bác cho dựng tượng Người trên đảo Cô Tô và được Bác đồng ý.
 
Sau một thời gian chuẩn bị, năm 1968 tượng đài bán thân Bác hoàn thành. Nơi máy bay hạ cánh, Bác đứng nói chuyện với quân dân trên đảo được dựng tượng đài, bia đá. Trụ sở Đảng uỷ, Uỷ ban hành chính xã nơi Bác đến được cải tạo thành nhà lưu niệm. Nơi Bác xem bới khoai và cánh đồng làm muối bác thăm được dựng bia. Con đường Bác đi được mở rộng, đào ao thả cá. Tháng 5 năm 1976, nhân kỷ niệm 15 năm ngày Bác ra thăm đảo, khu di tích lưu niệm Bác Hồ được tôn tạo lại, tượng bán thân được thay bằng tượng toàn thân.
 
Tượng đài Bác Hồ được đặt trang trọng trong khuôn viên rộng 2.547m2, cách bờ biển 100m. Tượng cao 4,4m, cả bệ cao 9m chất liệu bằng đá để phù hợp với khí hậu biển đảo. Tượng Bác đứng uy nghiêm, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông bao la như che chở cho đất và người nơi đây.
 
Phía sau tượng Bác là tấm bia ghi lại địa điểm máy bay chở Bác đáp xuống Cô Tô. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của khu di tích, năm 2005, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khu mỏ Quảng Ninh, khu đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng trong khuôn viên theo lối kiến trúc truyền thống, giản dị để cán bộ, nhân dân và du khách đến Cô Tô tới dâng hương tưởng niệm Bác.
 
Cách Khu tượng đài Bác không xa là Khu nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch, nơi Bác từng gặp gỡ cán bộ Cô Tô năm xưa. Nhà lưu niệm trưng bày hiện vật, hình ảnh Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm đảo cùng với những hình ảnh về thành tựu kinh tế, chính trị, quân sự của quân dân trên đảo.
 
Huyện đảo Cô Tô ngày nay
 
Từ năm 1994, Cô Tô trở thành đơn vị hành chính cấp Huyện. Nhớ lời Bác dặn, quân và dân đảo Cô Tô đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp. Các công trình kinh tế, văn hoá xã hội, giao thông vận tải được xây dựng, mở rộng ngày càng khang trang. Ngày 16/10/2013, Cô Tô chính thức hòa điện lưới Quốc gia, đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của nhân dân trên đảo đã thay đổi rõ rệt. Nhiều nhà hàng, khách sạn xây dựng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Là huyện có thế mạnh về du lịch biển đảo, mấy năm gần đây, du khách đến với Cô Tô càng nhiều hơn. Năm 2018, huyện Cô Tô đón trên 24 vạn lượt khách đến du lịch, nghỉ dưỡng.
 
Cô Tô là nơi đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô là một trong những di tích quan trọng đã được bộ Văn hoá Thông tin cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia số 985 QĐ/VH ngày 07/5/1997. Hiện nay Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô đang được triển khai lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt./.
 
Phan Thị Thúy Vân
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Danh mục Di tích Quốc gia

Danh mục Di tích Quốc gia

  • 15/01/2024 12:00 SA

.