Image
Loading
24/08/2021 02:39 CH
Di tích Nhà bia Yên Dưỡng tọa lạc tại thôn Yên Dưỡng, xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng tại Quyết định số 4223/QĐ-UBND, ngày 28/12/2006. Đây là địa điểm ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp khi quay trở lại xâm lược Việt Nam (1946 - 1954).
Toàn cảnh khu di tích lịch sử nhà bia Yên Dưỡng
 
Ngày 19/5/1949 (tức 22/4 âm lịch), thực dân Pháp đã mở cuộc càn quét lớn vào thôn Yên Dưỡng và thôn Thượng Thông, xã Hồng Thái Đông đánh phá cơ sở cách mạng, tàn phá xóm làng, uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Những người bị giặc Pháp giết hại trong trận càn chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, họ bị đẩy đến khu vực giếng làng, dùng lưỡi lê đâm chết tại chỗ 5 cụ già, sau đó điên cuồng xả súng cướp đi sinh mạng của 127 người dân vô tội, xác chết chồng chất, máu chảy lênh láng trên sân. Đây là cuộc tàn sát dã man, khủng khiếp nhất đối với nhân dân Quảng Ninh mà thực dân Pháp gây ra trong cuộc chiến này.
 
Để tưởng nhớ những người đã khuất và ghi dấu tội ác của thực dân Pháp. Năm 1993, Uỷ ban Nhân dân huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) đã cho xây dựng tại đây nhà Bia, gọi theo tên địa danh nơi đây là “Nhà bia Yên Dưỡng”.
 
Trong khuôn viên của di tích có miếu thờ Thành hoàng, miếu thờ Mẫu, giếng nước xây dựng từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và nhà bia xây dựng năm 1993, được bao quanh bằng tường xây có ô thoáng, tổng diện tích 510m2, phía trước có cổng xây hai trụ cột, đây là cổng cũ của miếu thờ thành hoàng làng vì phía trên còn giữ được bức đại tự có 3 chữ Hán Nôm đắp nổi “Tối linh từ”.
 
Nhà bia Yên Dưỡng nằm trong khuôn viên của di tích, có hình lục giác, diện tích chừng 10m2, hai tầng mái đắp xi măng giả ngói ống, trên nóc kết hình bông sen, các đầu mái đều tạo dáng hình con guột. Chính giữa nhà bia dựng một tấm bia bằng xi măng, cao 150cm, rộng 90cm, dày 25cm, ghi lại sự kiện của vụ thảm sát năm 1949: “Bia tưởng niệm. Tại nơi đây 127 người dân lương thiện thôn Yên Dưỡng đã bị giặc Pháp giết hại ngày 22/4/1949”.
Nhà bia tưởng niệm
 
Miếu thờ Thành hoàng có quy mô nhỏ, diện tích 5m2, bên trong có một bệ thờ đặt bát hương, long ngai bài vị. Phía sau miếu thờ Thành hoàng là miếu thờ Mẫu, diện tích chừng 30m2. Phía trước miếu thờ Thành hoàng là giếng nước hình trụ, kè bằng các tảng đá xanh, đường kính miệng giếng rộng 2m, sâu 7m.
Giếng làng, nơi Thực dân Pháp thực hiên vụ thảm sát đẫm máu
 
Hiện vật còn lại trong di tích không nhiều, đó là hai tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn dựng ở phía trước miếu thờ Thành hoàng, bia cao 128cm, rộng 58cm, dày 14cm. Trán bia trang trí lưỡng long chầu nguyệt, lá hoá rồng, diềm bia không trang trí. Bia khắc năm Bảo Đại thập ngũ niên (1940), nội dung bia ghi tên những người công đức tu tạo miếu. Hai pho tượng Mẫu có niên đại thời Nguyễn.
 
Ngày 22/4 âm lịch hàng năm, Uỷ ban Nhân dân thị xã Đông Triều, Uỷ ban Nhân dân xã Hồng Thái Đông đã tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong trận chống càn bảo vệ sự bình yên cho quê hương. Sau phần nghi lễ trang trọng, mọi người cùng thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người đã khuất. Người dân Yên Dưỡng cũng lấy đó làm ngày giỗ chung của làng (Giỗ làng).
 
Di tích lịch sử Nhà bia Yên Dưỡng lưu lại sự kiện trong chiến tranh nhằm ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp, giáo dục, nhắc nhở các thế hệ nhân dân về lòng yêu nước, ý chí cách mạng và tri ân những người đã hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước./.
 
Phan Thúy Vân-BTQN
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Chùa Vân Động

Chùa Vân Động

  • 01/06/2022 09:53 SA

Chùa Vân Động nằm trong cụm di tích đình - chùa - nghè làng Vân Động, thuộc địa phận xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1098/QĐ-UBND,...