Image
Loading
28/11/2023 12:00 SA
Soóng cọ là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh. Soóng cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ, ghi bằng chữ Hán có nghĩa là xướng ca, ca hát. Soóng cọ có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một tập tục, sinh hoạt phổ biến và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người Sán chỉ.
 Ngày hội Soong cọ - xã Húc Động huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh năm 2023
 
Soóng cọ - Dân ca của người Sán chỉ thuộc loại hình văn hóa dân gian, là hình thức giao duyên, nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ và được diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với nhiều dạng thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, hát mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, hát giao duyên. Trai gái yêu nhau, hát cho nhau nghe về cảnh đẹp quê hương, làng bản, những cảnh sinh hoạt sản xuất trong bốn mùa, hát về những truyện cổ tích, về cội nguồn dân tộc, gửi gắm trong đó tình yêu đôi lứa. Các hình thức biểu hiện Soóng cọ của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh gồm: Soóng cọ ban ngày (tiếng Sán Chỉ gọi là “Pẹc nhật cọ”; Soóng cọ ban đêm (Nhạp sụn cọ); Soóng cọ trong đám cưới (Cháu thang cọ).
 
Soóng cọ ban ngày (Pẹc nhật cọ) còn được gọi là hát giao duyên, hát ghẹo. Là thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái và được ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, này nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng. Sự phong phú trong câu hát thường gắn với trí thông minh, tài ứng khẩu và giỏi đặt lời mới của người hát. Những chàng trai, cô gái cùng hát với nhau trên những cánh rừng, vạt đồi, nương lúa… tiếng hát giúp cho họ khuây khỏa, xua đi nỗi mệt nhọc. Bởi lẽ không có hát giao duyên là thiếu đi sức sống, thiếu đi niềm vui mà bản thân mỗi con người đều có khả năng tự tạo ra cho mình.
 
Soóng cọ ban đêm (Nhạp sụn cọ): Người Sán Chỉ có một quy định không hát giao duyên với người cùng làng bản, do vậy sau mỗi vụ nông nhàn, hay vào dịp đầu xuân năm mới hoặc vào ngày hội Soóng cọ, người Sán chỉ ở làng xã này lại rủ nhau sang làng xã khác chơi vừa để thăm thân, giao lưu ca hát và cũng để cho các chàng trai, cô gái có cơ hội tìm bạn đời. Những cuộc đi chơi thường gắn với những đêm hát kéo dài tại các gia đình. Họ đi từng nhóm từ 5-10 người, thường có hẹn trước nên được gia chủ đón tiếp rất nhiệt tình vui vẻ. Khi thấy có khách đến chơi, các trai làng, gái bản sở tại và mọi người cũng đến chơi, nghe hát, trò chuyện giao lưu, hoặc cùng nhau cất lên những lời ca đối đáp.
 
Một hình thức biểu hiện nữa của Soóng cọ đó là hát trong đám cưới (Cháu thang cọ) hay còn gọi là tửu ca. Hình thức này được diễn ra cả trong ban ngày và ban đêm. Buổi tối trước ngày đón dâu, họ nhà trai sang nhà gái hát, đối tượng hát chủ yếu là trai gái, họ hát ghẹo, hát đối với nhau thâu đêm suốt sáng. Có nhiều đôi thành vợ, thành chồng từ sau đám cưới này. Trong lễ cưới, người Sán Chỉ dùng lời ca, tiếng hát để chúc mừng hạnh phúc lứa đôi, hay chúc mừng gia chủ có cô dâu mới.
 
Ngày nay Soóng cọ đã xuất hiện trong các trường học có đông người Sán Chỉ sinh sống, với nhiều hình thức biểu hiện rất phong phú, không chỉ bó hẹp trong không gian núi rừng mà đã được mở rộng qua các cuộc giao lưu văn nghệ giữa cộng đồng các dân tộc, trong các cuộc thi, liên hoan giữa các khu phố, bản làng… Người Sán Chỉ đã sáng tác thêm nhiều ca từ mới phù hợp với cuộc sống hiện tại, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, ca ngợi thầy cô và mái trường thân yêu…
 
Lời ca Soóng cọ đặt theo thể thơ “thất ngôn, tứ tuyệt”, được người Sán Chỉ ghi chép bằng chữ Hán, lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác dưới hai dạng ngữ là chữ Hán và phiên âm theo tiếng latinh. Mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, tức là chỉ có 28 chữ trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Ca từ sử dụng trong Soóng cọ của người Sán Chỉ rất mộc mạc, chân thành, với những hình ảnh ví von, bay bổng, biểu tượng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như núi rừng, cỏ cây, hoa lá, trăng sao vào trong những câu hát nên rất gần gũi và đi vào lòng người.
 
Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, sâu sắc về nội dung, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng người Sán Chỉ. Khi lời ca Soóng cọ được cất lên đã khẳng định cuộc sống yên bình, ấm lo hạnh phúc. Nói đến Soóng cọ là nói đến người Sán Chỉ, do vậy Soóng cọ mang tính đại diện cho cộng đồng người Sán Chỉ, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chỉ sinh sống tại Quảng Ninh. Với những ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng, ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh.
 
Đặng Hoa (tổng hợp), ảnh: Phan Thị Thúy Vân
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

“Yên Tử như một vũ trụ thu gọn các giá trị tinh thần, giá trị lịch sử

“Yên Tử như một vũ trụ thu gọn các giá trị tinh thần, giá trị lịch sử"

  • 12/08/2024 12:00 SA

Trong thời gian qua, bộ hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên...