Image
Loading
17/05/2021 11:21 SA
Đến Bảo tàng Quảng Ninh, nhiều du khách bất ngờ và đặc biệt ấn tượng với bộ xương cá voi vây khổng lồ được treo tại sảnh chính của Bảo tàng. Vậy bộ xương cá voi vây được tìm thấy và đưa về Bảo tàng như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bộ xương cá voi vây được trưng bày ở sảnh chính Bảo tàng Quảng Ninh
 
Ngày 18 tháng 10 năm 1994, Ủy ban Nhân dân xã Quan Lạn nhận được tin báo một con cá lạ có kích thước rất lớn bị chết, xác đã bắt đầu phân hủy, mùi thối lan tỏa ra khắp nơi, dạt vào đảo Cán Đao, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn (khu vực gần xã đảo Quan Lạn). Sau khi nhận được tin, UBND xã Quan Lạn đã báo lại cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh biết sự việc trên.
 
Du khách tham quan, chiêm ngưỡng bộ xương cá voi vây
 
Khi biết được sự việc này, một mặt Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ, cùng cán bộ văn hóa thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả) đến hiện trường xem xét tình hình, đồng thời khẩn trương làm văn bản báo cáo với Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh) xin ý kiến chỉ đạo xử lý con cá lạ.
 
Bộ xương cá voi vây từ dưới nhìn lên
 
Ngày 20 tháng 10 năm 1994, Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Ninh có công văn số 269CV/VH về việc phát hiện và xử lý xác cá voi dạt vào bờ biển đề nghị Ủy ban Nhân dân Tỉnh chỉ đạo việc bảo vệ và xử lý bộ xương cá.
 
Bộ xương cá voi nhìn từ trên xuống
 
Ngày 21 tháng 10 năm 1994, Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Ninh có công văn số 471CV/VH “V/v thu giữ bộ xương cá khu vực đảo Quan Lạn” gửi Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Công văn nêu rõ: Việc thu giữ bộ xương cá nói trên là rất cần thiết nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày của Bảo tàng. Vì vậy Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Ninh yêu cầu Bảo tàng Quảng Ninh bảo vệ kịp thời bộ xương cá, thu giữ và chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Trước mắt, cần có biện pháp chống sóng gió cuốn đi, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm, lấy cắp xương cá, chuyển ngay phần xương cá đã lấy được về Bảo tàng.
 
Học sinh tham quan, học tập tại Bảo tàng
 
Ngày 25 tháng 10 năm 1994, Ủy ban Nhân dân Tỉnh có công văn số 2098 CV/UB, gửi Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Nông lâm Ngư nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Sở Công nghệ Khoa học và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ); Ủy ban Nhân dân huyện Vân đồn, thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả) “V/v trả lời đề nghị của Sở Văn hóa và Thông tin”, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Sở Văn hóa và Thông tin chủ trì cùng với các ngành có liên quan ở tỉnh, UBND huyện Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả, có biện pháp để bảo vệ và xử lý kịp thời về nghiệp vụ để khôi phục bộ xương cá, da cá tại nhà bảo tàng tỉnh, giúp cho việc nghiên cứu và làm phong phú thêm hiện vật Bảo tàng.
 
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã thành lập một đoàn công tác, đến hiện trường để thực hiện nhiệm vụ.
 
Khi đoàn công tác đến nơi thì con cá đã bị phân hủy, một số xương đã bị rời khỏi thân, có những đốt sống rời ra, bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ biển thị xã Cẩm Phả và được người dân ở đây mang về (một thời gian sau những người vớt được số đốt sống này đã cung cấp lại cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh). Đoàn cán bộ của Bảo tàng cùng các cán bộ phòng Văn thể thị xã Cẩm Phả, huyện Vân đồn và trên dưới 20 nhân công làm việc cật lực trong gần một tháng trời để thu hồi bộ xương cá. Với những đốt xương sống, dẻ xương sườn đã bị dời ra, thì lấy dao và các dụng cụ sắc nhọn để nạo sạch thịt và da bám vào xương, những chỗ xương vẫn còn dính vào thân, thì phải xẻ thịt để tách dần từng chiếc xương sống, xương sườn, xương vây, sau đó nạo hết thịt, gân bỏ đi.
 
Trong thời gian xử lý phần thịt ở ngoài biển, bộ xương cá được bảo vệ an toàn, và được đưa về cảng Vũng Đục, thị xã Cẩm Phả.
 
Ngày 19 tháng 12 năm 1994, bộ xương cá được đưa về bảo quản và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
 
Qua các tài liệu nghiên cứu, Bảo tàng Quảng Ninh xác định, đây là loài cá voi vây (Balaenoptera physalus), còn gọi là cá voi lưng xám, là một loài động vật có vú sống ở biển. Khi phát hiện, con cá này có trọng lượng khoảng 50 tấn, dài trên 20m, đường kính gần 3m.
 
Cuối tháng 01 năm 1995, bộ xương được đưa ra trưng bày, ngày 28 tháng 01 năm 1995 là ngày đầu tiên triển lãm mở cửa đón khách tham quan mẫu vật khổng lồ này. Phải nói rằng, đây là một trong những cuộc triển lãm thu hút du khách đến tham quan với số lượng đông đảo nhất tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho đến thời điểm đó. Đặc biệt có hàng trăm ngư dân đã đến tham quan bộ xương của cá Ông, vị cứu tinh của họ ngoài biển khơi, khi họ gặp nạn (Cũng như các nơi khác ở Việt Nam, ngư dân Quảng Ninh không đánh bắt các loài thú biển này, họ cho rằng cá Voi vây là ân nhân có thể cứu người. Ở một số nơi người ta còn lập miếu thờ cá voi, cá heo).
 
Trong những năm gần đây, cùng với một số ít Bảo tàng trên cả nước, Bảo tàng Quảng Ninh trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan trong và ngoài nước. Bộ xương cá voi vây là một trong những “điểm nhấn” ấn tượng đối với du khách tham quan. Tuy nhiên, việc bảo quản bộ xương động vật khổng lồ như vậy, là thách thức không nhỏ đối với một bảo tàng địa phương. Vậy quá trình bảo quản bộ xương cá voi vây diễn ra như thế nào, hãy đồng hành cùng với chúng tôi để biết thêm các thông tin chi tiết.
 
(Bài, ảnh: Đặng Hoa - BTQN)
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới

  • 06/02/2023 10:20 SA

Máy ảnh đầu tiên trên thế giới ra đời là phát minh vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người. Cho đến hiện tại, thiết bị này vẫn không ngừng được cải tiến và hoàn thiện về mọi mặt. Nhờ có phát minh này mà nghệ thuật nhiếp ảnh...