Image
Loading
22/04/2024 12:00 SA
Nhằm nâng tầm và khai thác có hiệu quả di sản văn hoá trên địa bàn phục vụ phát triển du lịch, TP Hạ Long vừa khởi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn. Đây là một trong những dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, thực hiện nội dung chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh "Phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh". Xoay quanh câu chuyện, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, về cụm di tích núi Bài Thơ.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.- Chào PGS.TS Phạm Thị Thu Hương! Được biết, bà từng tìm hiểu, nghiên cứu về cụm di tích và danh thắng núi Bài Thơ. Vậy theo bà, cụm di tích này có những giá trị tiêu biểu như thế nào?


+ Tôi thấy rằng, cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ cùng lúc mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, thẩm mỹ và văn hoá. Đứng trên núi Bài Thơ có thể bao quát khung cảnh tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long. Bản thân núi Bài Thơ cũng là một thắng cảnh của vùng đất vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp có một không hai. Núi Bài Thơ còn là nơi bảo tồn, lưu giữ những tác phẩm thi ca, văn học có giá trị. Cùng với những cảnh quan đẹp và giá trị lịch sử tiêu biểu, trong cụm di tích còn có những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng mang đặc trưng kiến trúc tín ngưỡng văn hoá Việt Nam. Quan trọng hơn, cụm di tích mang trong mình nhiều tiềm năng, giá trị to lớn để phát triển du lịch. Do đó, cần có cách nhìn xứng tầm với những di tích trên địa bàn. Tôi nghĩ, với giá trị tự thân của di tích đã xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt nhưng còn một giá trị, ý nghĩa lớn hơn nữa đó là Cụm di tích núi Bài Thơ là biểu tượng, là tượng đài thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc.

- Theo bà thì chúng ta cần làm gì để gìn giữ những giá trị của Cụm di tích núi Bài Thơ?

+ Với Cụm di tích núi Bài Thơ, bảo tồn là việc làm cần thiết để giữ gìn những giá trị mà thiên nhiên ban tặng và con người đã sáng tạo ra qua các thời kỳ lịch sử. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà từ lâu nay núi Bài Thơ được người dân coi như một điểm tựa tinh thần, là chốn thiêng để lòng người hướng tới. Bài Thơ là ngọn núi thiêng không chỉ trong tâm thức người Hạ Long mà cả người dân Vùng mỏ Quảng Ninh. Có nhiều công việc cụ thể cần phải triển khai khi thực hiện hoạt động bảo tồn, nhất là sau vụ cháy rừng trên núi, sau những hiện tượng xuống cấp của các công trình khiến thành phố phải đóng cửa đường lên núi từ năm 2017. Tuy nhiên, việc bảo tồn cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của khoa học bảo tồn tức là việc tu bổ, cải tạo, giữ nguyên trạng của di tích, không làm biến dạng di tích. 

Núi Bài Thơ đứng sừng sững, hiên ngang trước biển.
Núi Bài Thơ đứng sừng sững, hiên ngang trước biển.

- Bà có thể nói cụ thể hơn về những giải pháp này?

+ Theo tôi, với những điểm di tích cụ thể như vách núi là nơi khắc các bài thơ của tiền nhân cần phải được vệ sinh sạch sẽ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo quản phù hợp để bảo vệ một cách lâu dài. Với các điểm di tích khác như: Nhà tổng đài, hang trú ẩn, sơ tán, tổ chỉ huy, nhà công vụ, cần cố gắng giữ nguyên hiện trạng di tích, hạn chế tối đa việc tác động vào di tích trong trường hợp cần thiết phải tuân thủ quy định và hướng dẫn của Luật Di sản văn hóa và cơ quan chuyên môn.

Một hoạt động khác cũng không kém phần quan trọng là tôn tạo Cụm di tích núi Bài Thơ. Tôn tạo là tăng cường khả năng sử dụng khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Với cách hiểu này, chúng tôi cho rằng, việc tôn tạo Cụm di tích núi Bài Thơ cần được thực hiện một cách tổng thể như: Làm lại lối vào di tích, đường lên núi, xây kè hai bên đường, tránh sạt lở đất đá, tu sửa lại các công trình ban quản lý, nhà nghỉ chân.

Phối cảnh dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.
Phối cảnh dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

- Như bà nói thế nghĩa là bảo tồn và phát triển luôn song hành với nhau?

+ Hoạt động bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của Cụm di tích núi Bài Thơ nên gắn bó chặt chẽ với phát triển du lịch, coi đó như hai mặt của một vấn đề và chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Bảo tồn các di tích phải song hành với việc khai thác và phát huy giá trị của di tích ấy, để biến những giá trị đó trở thành các sản phẩm văn hoá có khả năng đem lại lợi ích kinh tế. Việc phát triển du lịch dựa vào tiềm năng giá trị của các di tích, di sản văn hoá được xác định là một ngành công nghiệp văn hoá có nhiều lợi thế phát triển ở Việt Nam, nhất là những địa phương sở hữu nhiều di sản văn hoá có giá trị tiêu biểu như Quảng Ninh.

- Bà có những gợi ý gì cho TP Hạ Long trong vấn đề này?

+ Việc khai thác phát huy giá trị cụm di tích cũng cần tạo sự liên kết với các di tích khác ở trong và ngoài TP Hạ Long để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhiều đối tượng và mục đích của du khách. Công việc này chắc chắn đã được nhiều công ty du lịch, công ty lữ hành đặt ra và xây dựng những tour du lịch phù hợp hiệu quả. Ở đây, tôi xin đề cập một vài hình thức gắn với không gian di tích như là tạo phố đi bộ quanh chân núi Bài Thơ. Phố đi bộ hoạt động vào những ngày cuối tuần. Đây không chỉ là nơi mà mọi người có thể tự do tản bộ vui chơi mà còn là sân khấu của những trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nơi biểu diễn các tiết mục đường phố, nơi mua sắm giới thiệu văn hóa nghệ thuật và ẩm thực của địa phương.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ 3D Mapping trong việc giới thiệu, quảng bá di sản. Công nghệ 3D Mapping là kỹ thuật trình diễn kết hợp ánh sáng và ảnh động để tạo hiệu ứng 3D trên bề mặt phẳng giúp các khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều. Trình chiếu 3D Mapping cơ bản là trình chiếu những đoạn phim hình ảnh được thiết kế khớp với vật chiếu và có thể kết hợp với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng tạo ra những hình ảnh trên vật thể đó. Về bản chất, 3D Mapping giống như đang khắc họa bằng ánh sáng, màu sắc và thậm chí là cảm xúc vào không gian.

Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ thuộc thành phố Hạ Long ngày nay).
Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ thuộc TP Hạ Long ngày nay).

- Bà có thể nói rõ hơn về công nghệ này được không?

+ Theo tôi, có thể sử dụng công nghệ vừa nêu ở khu vực chân núi Bài Thơ để giới thiệu các điểm của cụm di tích cùng với những di sản văn hoá khác của thành phố. Đặc biệt là phục hồi những hình ảnh của thị xã Hồng Gai xưa, giúp cho không chỉ du khách mà cả người dân Hạ Long hiện nay biết được diện mạo phố thị xưa, hiểu được cả lịch sử của một vùng đất hết sức đặc biệt và anh hùng này. Đó sẽ là niềm tự hào của người dân đất mỏ hôm nay và là trải nghiệm thú vị của du khách trong và ngoài nước khi đến với Hạ Long.

Không chỉ công nghệ 3D Mapping mà còn có thể sử dụng hệ thống trợ lý du lịch ảo, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360... để du khách có thể hình dung ra cụm di tích ở các thời kỳ khác nhau giống như những nhà du hành thời gian. Cũng bằng công nghệ này, Cụm di tích núi Bài Thơ có thể hiện lên ở những khung giờ với những cảm nhận đặc sắc về không gian, ánh sáng của di tích tuỳ thuộc vào mong muốn của người sử dụng.

Núi Bài Thơ và con đường Trần Quốc Nghiễn nhìn từ trên cao.
Núi Bài Thơ và đường Trần Quốc Nghiễn nhìn từ trên cao.

- Hiệu quả mang lại sẽ là gì khi chúng ta áp dụng những điều này, thưa bà?

+ Nếu làm được điều đó thì chắc chắn sẽ tạo ra được sự độc đáo cho sản phẩm du lịch vừa phát huy vừa bảo tồn tốt di tích. Trên thế giới hiện nay, công nghệ đang được ứng dụng một cách mạnh mẽ hơn vào quảng bá di sản văn hóa. Giới trẻ vốn ham mê công nghệ nên thế mạnh của công nghệ sẽ giúp di sản tiếp cận với giới trẻ một cách thuận lợi, nhanh chóng và hứng thú hơn. Công nghệ cũng sẽ giúp làm mới các điểm di tích để mang lại hiệu quả rất lớn giúp du khách quan tâm hơn và hứng thú hơn với lịch sử.

Bên cạnh đó, việc đa dạng các sản phẩm du lịch đêm sẽ giúp du khách nước ngoài có thêm nhiều trải nghiệm, sử dụng nhiều thời gian ở Hạ Long và sẽ chi tiêu nhiều hơn. Đây là một trong những mục đích của các công ty du lịch. Điều đó sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế đêm như là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nói chung, của địa phương nói riêng.

Nếu hoạt động bảo tồn và khai thác phát huy giá trị của Cụm di tích núi Bài Thơ gắn với phát triển du lịch được thực hiện một cách đồng bộ thì chắc chắn hiệu quả đem lại sẽ hết sức khả quan không chỉ giá trị của di tích được giữ gìn mà còn tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.

- Xin cảm ơn Phó Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!

(Theo Baoquangninh.vn)
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 08:56 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Phật giáo Trúc Lâm đồng hành với dân tộc

Phật giáo Trúc Lâm đồng hành với dân tộc

  • 02/05/2024 12:00 SA

Phật giáo Trúc Lâm đồng hành với dân tộc