Ngược dòng lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi mà cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên chiến trường Đông Dương. Ngày 20-7-1954, Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ). Pháp và các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
.jpg)
Quán triệt sâu sắc chủ trương tranh thủ hoà bình của Trung ương Đảng, đánh bại âm mưu khiêu khích của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, trong tháng 8 và tháng 9-1954, các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai, tỉnh Hải Ninh tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về Hiệp định Giơ-ne-vơ; tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng ta; các chính sách của Đảng đối với vùng giải phóng (8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng: 1. Bảo hộ tính mệnh, tài sản của toàn thể nhân dân trong thành phố; 2- Bảo hộ công thương nghiệp; 3- Tiếp thu và quản lý các xí nghiệp, công sở của chính quyền Pháp và Bảo Đại; 4- Bảo hộ các trường học, nhà thương, cơ quan văn hóa, giáo dục,…; 5- Những viên chức trong các cơ quan chính quyền Pháp và Bảo Đại được tuyển dụng theo tài năng; 6- Những sĩ quan binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn ở lại trong vùng mới giải phóng sau khi đã ghi tên đều có thể được phép trở về quê quán hoặc được tuyển dụng tùy theo năng lực; 7- Bảo hộ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều; 8- Thực hiện tự do dân chủ, bảo hộ tự do tín ngưỡng của nhân dân - Đăng trên Báo Nhân Dân, ra ngày 9-10/10/1954).
Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8-8-1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Ngay từ khi khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả còn nằm trong vùng tập kết 300 ngày, chủ trương của Đảng ta là phải đập tan âm mưu ép đồng bào ta di cư vào Nam và chủ mỏ tháo dỡ máy móc đem đi. Tháng 3/1955, chủ mỏ di chuyển 8 động cơ Nhà máy Điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam; chúng ta đã tổ chức cho công nhân ở Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả buộc giới chủ mỏ phải dừng việc tháo dỡ máy móc, ngăn chặn được chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu xuống tàu.
Sáng 25/4, quân dân Thị xã Hòn Gai tổ chức mít tinh trọng thể, ra mắt Ủy ban Quân chính và đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân, dân Hồng Quảng. Cả Vùng mỏ rực rỡ cờ hoa, vỡ òa hạnh phúc đón bộ đội ta tiến về tiếp quản, chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp cai trị. Kể từ đó những hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn, đồi núi, sông biển đã do nhân dân làm chủ để bước vào thời kỳ mới, đấu tranh thống nhất nước nhà và dựng xây đất nước.
Chuyện những ngày tiếp quản đã và đang được kể đầy sinh động qua hệ thống hiện vật tư liệu hình ảnh. Một số hình ảnh quý về Vùng mỏ ngày tiếp quản đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh như: Ảnh quân Pháp rút khỏi Hòn Gai, những đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản mỏ Đèo Nai, nhân dân ta treo cờ lên nóc rạp Bạch Đằng, nhân dân vui mừng đón bộ đội về tiếp quản, tàu há mồm cập bến phà Bãi Cháy chở tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vùng mỏ. Tại Hòn Gai; Cẩm Phả, Quảng Yên… công nhân mỏ, nhân dân chào đón bộ đội vào tiếp quản khu mỏ. Cụ Ngô Thị Trang ở Hòn Gai dù mù 2 mắt vẫn cùng nhân dân, công nhân kho chính Hòn Gai ra đón bộ đội; các tầng lớp nhân dân ở Quảng Yên chào đón bộ đội; bộ đội ta canh gác nhà sàng Cửa Ông sau tiếp quản không cho Pháp chuyển máy móc đi; những bó hoa tươi thắm của nhân dân Hòn Gai trao cho các chiến sĩ; ban quân quản trên lễ đài mừng Vùng mỏ được giải phóng; Cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ mừng ngày tiếp quản; khí thế sản xuất than hồ hởi sau ngày tiếp quản; Xí nghiệp Than Hồng Gai cắm cờ lên nóc trụ sở SFCT tiếp quản việc sản xuất than v.v.
Ngày nay, tại khu trưng bày kháng chiến chống Pháp trên tầng 2 của Bảo tàng có hàng trăm lượt du khách đến thăm quan, học tập nghiên cứu. Đây là nơi giáo dục lịch sử Vùng mỏ, là trường học ngoài nhà trường, tái hiện lịch sử một cách sống động về phong trào đấu tranh của công nhân mỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến ngày tiếp quản Vùng mỏ, giải phóng quê hương khỏi ách áp bức của thực dân và chủ mỏ. Những hiện vật và hình ảnh tư liệu đi liền với quá trình đấu tranh của quân dân Vùng mỏ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đã được trưng bày trang trọng, không chỉ hấp dẫn khách du lịch mà còn là trải nghiệm quý có ý nghĩa giáo dục to lớn nhất là đối với thế hệ trẻ mỗi khi đến với Quảng Ninh.
Trong những năm qua nhằm tuyên truyền giá trị lịch sử về sự kiện tiếp quản Khu mỏ, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh luôn tổ chức các cuộc triển lãm thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách tới tham quan tìm hiểu về sự kiện lịch sử tiếp quản vùng mở nhằm khơi dậy lòng yêu nước như: Triển lãm “Quảng Ninh - 60 năm xây dựng và phát triển” kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023); Triển lãm ảnh “thành tựu nổi bật của tỉnh Quảng Ninh sau 70 năm ngày giải phóng Vùng mỏ (25/4/1955-25/4/2025)”…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, Bảo tàng Quảng Ninh đã tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu đánh giá giá trị của các di tích lịch sử các hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung cũng như ngày tiếp quản Vùng mỏ nói riêng. Ngoài những hiện vật, hình ảnh đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh còn tích cực nghiên cứu và tham mưu cho các cấp nhằm xếp hạng các điểm di tích liên quan tới sự kiện tiếp quản Vùng mỏ như: Tại Hạ Long, hiện còn cổng vòm kiên cố và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt tiếng Pháp là SFCT). Sau đó, nơi đây được chọn làm cổng trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai năm 1955, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay. Đây là chứng nhân niềm vui chiến thắng cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ 80 năm của thực dân Pháp, là chứng nhân của lịch sử ngành Than ở Vùng mỏ. Di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017; Bến phà Bãi Cháy nối đôi bờ Bãi Cháy - Hòn Gai là một trong số những địa danh, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thị xã Hòn Gai. Theo tư liệu lịch sử ngày 12/3/1883, tàu chiến của hải quân Pháp tiến vào vụng Cửa Lục, đóng đồn trên đỉnh đồi Bãi Cháy, mở đầu cho 72 năm chiếm đóng và khai thác than ở Vùng mỏ. Bến phà Bãi Cháy ra đời từ ngày ấy. Trưa ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút xuống tàu ở bến phà Bãi Cháy (phía Hòn Gai), đánh dấu chấm hết 72 năm thực dân Pháp chiếm đóng và khai thác các mỏ than Quảng Ninh. Từ đây, lịch sử của Vùng mỏ mở sang một trang mới.
Bên cạnh đó, còn nhiều di tích khác như: Núi Bài Thơ và cảng Cửa Ông, nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ. Cầu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông là một trong 7 cầu trục do Pháp thiết kế và chế tạo, cầu trục Poóc-tích số 1 với công suất thiết kế ban đầu là 52 tấn/giờ được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/1928… Ngày 25/4, lá cờ Tổ quốc tung bay ở đây đánh dấu sự kiện Vùng mỏ hoàn toàn được làm chủ.
Trải qua 70 năm ngày tiếp quản Vùng mỏ, khí thế hùng tráng của quân và nhân dân Vùng mỏ đã đánh dấu ngày giải phóng thoát ách nô lệ 72 năm của thực dân Pháp. 70 năm ngày tiếp quản Vùng mỏ không chỉ là là mốc thời gian để chúng ta ôn lại lịch sử mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” sẽ tiếp tục là ngọn lửa soi sáng, là nguồn động lực mạnh mẽ để Quảng Ninh tiếp tục vươn xa đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, thực hiện khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Đơn vị bộ đội đầu tiên được tiếp quản mỏ Đèo Nai, ngày 22/4/1955
Bộ đội tiếp quản từ Bãi Cháu đến Hòn Gay, ngày 22/4/1955
Bộ đội tiếp quản Hòn Gay, ngày 22/4/1955
Ủy ban quân Chính vào tiếp quản khu mỏ Hồng Quảng, ngày 22/4/1955
Nhân dân chào đón bộ đội vào ngày giải phóng Hòn Gai, ngày 22/4/1955
Những tên lính Pháp cuối cùng rút khoi Khu mỏ, ngày 25/4/1955
Hồng Nguyên-BTQN