Image
Loading
28/08/2024 12:00 SA
Việc khánh thành Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y đã đem lại niềm vui lớn cho cộng đồng dân cư dưới chân núi Yên Tử, góp công không nhỏ trong việc bảo tồn di sản, đưa dòng khách du lịch trải nghiệm văn hóa đến nhiều hơn cho vùng danh thắng.

Cùng với các nhóm Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang, người Dao Thanh Y là bộ phận hợp thành của dân tộc Dao ở Quảng Ninh. Người Dao Thanh Y sống rải rác ở Hạ Long, Uông Bí, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Họ đã sáng tạo ra kho tàng văn hoá đa dạng phong phú và đặc sắc mang đậm dấu ấn bản địa. Thượng Yên Công là xã miền núi của TP Uông Bí, có vị trí giáp với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Xã có hơn 6.000 nhân khẩu, dù địa bàn nhỏ, nhưng Thượng Yên Công có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm số lượng đông đảo với 58%, đặc biệt là tại thôn Khe Sú 2 có 100% là người dân tộc Dao Thanh Y.

Những chàng trai, cô gái Dao ở đây khoẻ, đẹp, thục hiền, tương truyền là con cháu những cung nữ đời Trần, được vua Trần Nhân Tông cho phép trở về cuộc sống đời thường, hôn phối với đồng bào dân tộc để sinh con đẻ cái. Trải qua thời gian, không ai biết câu chuyện trên là thật hay hư, chỉ biết rằng bao thế hệ người Dao Thanh Y ở Thượng Yên Công đã dựng làng, lập ấp, trở thành những cộng đồng dân cư trù phú, yên bình dưới chân núi Yên Tử. Đặc biệt người Dao Thượng Yên Công còn gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình đến ngày nay. 

Ngày hội làng của người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công thường vào các dịp đầu tháng của mỗi quý trong năm, dịp sau mùa gặt trước mùa cấy, dịp nhà nào đó trong họ tộc tổ chức lễ cấp sắc, hay lễ cưới hỏi… Vào những dịp này, gần như cả xã Thượng Yên Công có hội, trai gái mặc trang phục dân tộc, góp gà, góp gạo để cùng nhau ăn một bữa cỗ chung vui. Hiện nay, trước yêu cầu của cuộc sống, việc tổ chức hội làng đã được tiết chế theo chiều hướng gọn nhẹ, tươi vui, không nặng nề về cỗ bàn, thay vào đó là phát huy các hoạt động văn hoá cộng đồng.

Người Dao Thượng Yên Công có ý thức giữ gìn nghề thêu thổ cẩm và dệt dây lưng, nắm kỹ thuật hát đối, hát giao duyên, chơi những môn thể thao truyền thống, chế biến món ăn truyền thống… Theo định hướng của xã Thượng Yên Công, nhiều năm trước những phụ nữ Dao cao niên tham gia các tổ thêu thổ cẩm, tổ dệt dây lưng để truyền dạy lại những kỹ thuật thêu, dệt cho lớp trẻ. Chính bởi vậy, trai gái trẻ tuổi của Thượng Yên Công ngày nay vẫn tự tay sắm sửa cho mình bộ trang phục truyền thống và yêu thích diện chúng trong những ngày lễ tết hội làng.

Với vị trí nằm dưới chân núi Yên Tử, vùng quần thể di tích đặc biệt quốc gia mang đậm dấu ấn nhà Trần, Thượng Yên Công có dư địa phát triển du lịch văn hoá. Tại Khe Sú 2 vốn là nơi tập trung đông nhất đồng bào dân tộc Dao Thanh Y ngày càng xuất hiện những mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm bản sắc văn hoá truyền thống. Đó là những mô hình du lịch trải nghiệm văn hoá, thêu thổ cẩm, gối thổ cẩm thảo dược, món ăn người Dao, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ người Dao, tắm lá thuốc, ngâm chân thảo dược, nghe dân ca dân vũ …

Trong nhịp sống hối hả đương đại, những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Dao Thanh Y luôn đứng trước nguy cơ mai một. Bởi vậy, cần thiết phải có những dự án sưu tầm các giá trị truyền thống về trang phục, ẩm thực, các điệu hát xướng, nhạc cụ, các lễ hội… vừa góp phần làm giàu giá trị văn hoá bản địa Dao Thanh Y tại vùng di tích Yên Tử vừa biến di sản thành tài sản du lịch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Thành phố Uông Bí là địa phương sớm có sự đầu tư phát triển các giá trị văn hoá tinh thần trên địa bàn. Cùng với nhiều dự án bảo tồn, thành phố Uông Bí làm giàu giá trị văn hoá của mình bằng những sản phẩm du lịch văn hoá trải nghiệm mới. Việc xây dựng Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công được kỳ vọng là công trình làm giàu giá trị văn hoá bản địa tại vùng di tích Yên Tử. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, biến nơi đây thành một trong những trung tâm di sản văn hóa người Dao Thanh Y, quý IV của 2023, Uông Bí đã quyết định đầu tư xây dựng công trình với tổng kinh phí đầu tư là 800 triệu đồng. Bảo tàng Quảng Ninh vinh dự được thành phố Uông Bí lựa chọn để phối hợp, tư vấn, thi công xây dựng công trình này. 

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Ban giám đốc Bảo tàng đã đưa vào chương trình công tác của năm và cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc về dân tộc Dao Thanh Y, trực tiếp xuống địa bàn nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, tư liệu ảnh có giá trị để xây dựng đề cương, lập danh mục, thiết kế mỹ thuật trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. 

Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2, tái hiện 5 không gian với chú thích song ngữ Việt - Anh, bao gồm: Không gian trưng bày trang phục Nam - Nữ dân tộc Dao Thanh Y, cùng với diện vách thể hiện chi tiết giới thiệu về những nét đặc trưng của bộ trang phục người Dao Thanh Y; không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y (bao gồm: Cụm mô hình mô phỏng bằng tượng Madercanh tỷ lệ 1:1 và những hình ảnh, nội dung thuyết minh về nghi lễ cấp sắc); tái hiện mô hình Nhà Trình tường của người người Dao Thanh Y; không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; không gian trưng bày một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y. 

Trong không gian trưng bày, có những hiện vật quý, hiếm như: Bộ tranh Phật (cổ) trên 100 năm tuổi của gia đình ông Đặng Văn Sơn (thầy mo, thôn Khe Sú 2, là người uy tín trong xã Thượng Yên Công); hiện vật nồi đồng có niên đại hơn 120 năm tuổi của gia đình ông Lý Đức Hải (thôn Đồng Chanh); hiện vật mâm đồng 100 năm tuổi của gia đình ông Trương Văn Thiện (thôn Tập Đoàn); hiện vật khung cửi dệt vải trên 75 năm tuổi của gia đình bà Trương Thị Bích (thôn Khe Sú 2); cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác của người dân trong xã hiến tặng.

Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y và mô hình du lịch cộng đồng tại Thôn Khe Sú 2 chính là 2 sản phẩm du lịch trong tổng số 62 sản phẩm du lịch mới của toàn tỉnh được đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong năm 2024. Qua đó tạo thành những điểm đến du lịch đặc sắc, phong phú trong tuyến tham quan, du lịch quần thể Khu di tích và danh thắng Yên Tử; góp phần hoàn thành mục tiêu đón 100.000 lượt khách quốc tế trong tổng số 3,2 triệu lượt khách trong năm 2024 của TP Uông Bí.

Sau 8 tháng thi công, chiều 22/8 vừa qua, thành phố Uông Bí tổ chức khai trương "Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y" và "Mô hình du lịch cộng đồng" tại thôn Khe Sú 2, Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y sẽ được bàn giao cho xã Thượng Yên Công quản lý. Để phát huy hiệu quả của mô hình nhà truyền thống này cần kết nối với các đơn vị lữ hành, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm nhất là vào các dịp cuối tuần lễ Tết. Đồng thời, thành phố Uông Bí cũng cần duy trì tốt các hoạt động của CLB Văn hoá, văn nghệ, thể thao người Dao Thanh Y, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận các điểm du lịch liên quan; dự kiến thành lập CLB hướng dẫn viên bản địa kết nối du khách đến với Yên Tử và đến với các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương...Trong quá trình quản lý, vận hành Nhà trưng bày, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, để giúp cho xã và thôn Khe Sú 2 làm tốt hơn nữa công tác quản lý và khai thác sử dụng; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Dao Thanh Y, gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương nói riêng và góp phần vào phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP Uông Bí nói chung trong những năm tới.

Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y đi vào hoạt động đã khẳng định thêm lần nữa Bảo tàng Quảng Ninh là đơn vị hàng đầu trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh, trong đó có lĩnh vực xây dựng nhà trưng bày truyền thống. 

Ngô Chiều, An Thủy Ninh - Bảo tàng Quảng Ninh

 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Bảo tàng Quảng Ninh phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Bảo tàng Quảng Ninh phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

  • 15/09/2024 12:00 SA

Lâu nay, nhiều người thường nghĩ bảo tàng là nơi lưu giữ hiện vật, nghĩa là công tác chuyên môn liên quan đến di sản văn hóa vật thể. Vậy nhưng tại Bảo tàng Quảng Ninh, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đang được tích cực khai thác...