Image
Loading
20/05/2024 12:00 SA
Cấp sắc là nghi lễ để được thế giới thần linh chấp thuận, đánh dấu bước trưởng thành và là yêu cầu bắt buộc để trở thành thầy cúng, người được coi trọng trong cộng đồng người Sán Dìu. Đây là nghi lễ quan trọng, vừa là mong ước về cuộc sống ấm no, an bình cho gia đình và cộng đồng.
 Trên địa bàn Quảng Ninh, người Sán Dìu hiện sống nhiều ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, rải rác ở Tiên Yên, Đông Triều, Đầm Hà... Trong phong tục của người Sán Dìu, cấp sắc được hiểu là lễ dành cho nam thanh niên trong mỗi dòng họ từ 16 tuổi trở lên. Tuy không bắt buộc ai cũng phải làm song người được cấp sắc được cho là có thể tiếp xúc với thần linh, không sợ ma quỷ làm hại mà còn bảo vệ người trong gia đình, làm ăn thịnh vượng. Người cấp sắc khi chết linh hồn được lên trời, được các đệ tử thờ phụng đời nay qua đời khác.
f
Các thầy làm nghi lễ thỉnh thiên tướng, thần thánh cùng các điệu nhảy trong nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu. (ảnh minh họa) Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển

Trong đời sống, người Sán Dìu thường sống theo cộng đồng làng xã quy mô trên 10 tới vài chục hộ, có tính cố kết cộng đồng. Mỗi cộng đồng, thậm chí mỗi dòng họ đều có thầy, người làm lễ cúng, cầu an cho gia đình, cộng đồng. Người làm thầy được kính trọng.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Diệp Trung Bình (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) tại Hội thảo khoa học Văn hóa dân gian cổ truyền của người Sán Dìu Quảng Ninh năm 2008, thì đây là nghi lễ quan trọng trong đời sống, đặc biệt nghi lễ cấp sắc được tiến hành nhằm làm lễ phụ phong cấp bậc, một thứ "chứng chỉ” cho những người thầy cúng. Người cấp sắc không nhất quyết phải làm thầy cúng nhưng muốn làm thầy cúng dứt khoát phải qua lễ cấp sắc.

Cấp sắc trong phong tục người Sán Dìu được phân làm 3 cấp. Cấp 1 là "Pháp sư" (Sô ca) có quyền hạn thấp, chỉ được cầu khấn, trả lễ thông thường (cúng hạn, giải hạn, làm ma...). Người cấp sắc được thay tên đệm, gọi tên mới gọi là pháp danh nhưng tên này chỉ sử dụng khi hành nghề cúng. Người cấp sắc lần đầu được cấp thanh la, mão bạt, tù và, được thầy cả gọi đi học nghề khi có lễ cúng. Cấp thứ 2 là “Chức sư” (Chếnh ca), được cấp ấn và được khắc họ tên pháp danh lên ấn. Chức sư cũng có pháp danh khác. Chức sư có quyền cao hơn Pháp sư, có quyền cưỡng chế, áp chế, bắt ma trừ tà và được xã hội tôn kính. Cấp thứ 3 là “Thứ Gia tổng xuyến” (Xị ca chống sọn). Chức vị này yêu cầu phải có thời gian hành pháp lâu năm. Cả 3 chức vị này đều có quyền hành pháp và truyền pháp cho đệ tử cấp dưới mới học.

Để cấp sắc hoàn thành cũng cần có các nghi lễ đầy đủ, trang nghiêm, gồm có lễ đường dạng rạp bằng tre, lợp lá cọ, một đầu làm lối đi, đầu kia bịt kín làm chính đàn. Trên lễ đường treo là tranh thời Tam Thanh và các vị trong thần điện Đạo giáo. Với các cấp cấp sắc nghi lễ, số thầy tham gia càng tăng theo. Cấp “Pháp sư” cần 1 thầy chính cùng 2 thầy khác. Cấp “Chức sư” trang trọng hơn cần 7 thầy gồm thầy chính và các thầy khác đảm bảo nghi lễ. Cấp “Thứ Gia tổng xuyến” gồm thầy chủ trì phải có chức sắc “Thứ Gia tổng xuyến” cùng các thầy khác được mời tới dự.


Đáng chú ý, nghi lễ cấp sắc “Chức sư” và thăng chức “Thứ Gia tổng xuyến” trang nghiêm, quy củ, gồm nhiều văn bản, giấy tờ, trong đó phải có một sớ chính và 20 tờ sớ điệp (với nghi lễ Chức sư) và 21 tờ điệp tấu, 14 tờ tổng xuyến (với "Thứ Gia tổng xuyến") cùng các văn bản khác. Để cấp sắc, các thầy thỉnh các thần, thánh chứng quả, xem xét tấu trình… Trong lễ cấp sắc còn có các điệu múa rất phong phú như múa Hành quang. Đáng chú ý, trong cấp sắc còn có lễ dâng khăn hồng (Cạ hống) cho các thầy cả, bố mẹ và các thành viên trong gia đình… thể hiện lòng cảm tạ thầy, đạo hiếu.

fa
Các thầy làm lễ đầu năm ở đình làng Lộ Phong (phường Hà Phong, TP Hạ Long). Để trở thành thầy, được tôn kính trong cộng đồng phải trải qua nghi lễ cấp sắc.

Điều thú vị là những người cấp sắc còn mang ý nghĩa nhân văn, mong ước hạnh phúc và cuộc sống cộng đồng tốt đẹp. Theo quan niệm của người Sán Dìu, được cấp sắc, khi chết không phải phá ngục, không phải qua 18 ngục mà được làm quan trên thiên đình. Linh hồn vợ chồng luôn ở bên nhau và được thần thánh công nhận.

Người được cấp sắc được khuyên kiêng một số thịt (thịt chó, rùa, ba ba, cò trắng…); không được sát sinh, săn bắn muông thú, sống từ bi. Người được cấp sắc phải sống chịu đựng gian khổ, đặt trọng cứu người, không phân biệt giàu nghèo, không dùng phép thuật hại người… Ngược lại, người được cấp sắc được phù hộ, làm ăn tốt.

Có thể thấy, ngày nay trong xu thế hội nhập, phát triển, nhiều phong tục tập quán của người Sán Dìu bị ảnh hưởng mai một. Song văn hóa phi vật thể, đặc biệt là tục cấp sắc vẫn đóng vai trò quan trọng, duy trì trong đời sống tâm linh của người Sán Dìu ở Quảng Ninh. 

Theo baoquangninh.vn
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Gia tăng sức hút từ các giá trị văn hoá vùng Vịnh Hạ Long

Gia tăng sức hút từ các giá trị văn hoá vùng Vịnh Hạ Long

  • 24/11/2024 12:00 SA

Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với các giá trị ngoại hạng toàn cầu về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Các chuyên gia cũng nhận định, đánh giá cao về tiềm năng giá trị văn hóa - lịch sử của di...