Tiếp sau Kết luận 47-KL/TW, ngày 1-10-2012, Bộ Chính trị có Thông báo số 108-TB/TW thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về Đề án Phát triển KT-XH nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Có thể nói, đây là cơ sở chính trị quan trọng, tạo tiền đề cho tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và mở rộng đối ngoại.
 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tùng (thứ 5, phải sang) cùng lãnh đạo Tập đoàn TKV và Công ty CP Than Núi Béo gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Ảnh: Đỗ Phương |
Sau kết luận số 47-KL/TW đồng ý những chủ trương, giải pháp phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, tháng 10-2012, Bộ Chính trị có Thông báo số 108-TB/TW đồng ý về 7 nhóm cơ chế, chính sách cho tỉnh Quảng Ninh. Một là, đồng ý cho tỉnh được áp dụng một số cơ chế chính sách ưu đãi hiện đang áp dụng cho các tỉnh, thành phố, các khu kinh tế và các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để triển khai thực hiện có kết quả những kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận 47-KL/TW. Hai là, hỗ trợ ngân sách trung ương đầu tư thực hiện dự án cải tạo môi trường tổng thể. Ba là, bổ sung một số công trình hạ tầng quan trọng có ý nghĩa động lực như đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, sân bay Vân Đồn vào định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước. Xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư nước ngoài và được ưu tiên hỗ trợ một phần ngân sách để xây dựng nguồn thu XNK qua địa bàn từ nay đến năm 2020. Bốn là, thành lập Trường đại học đa ngành Quảng Ninh và các bệnh viện đạt chuẩn quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Năm là, thí điểm cho phép tỉnh được quy định mức phí, lệ phí hợp lý do Chính phủ, Bộ Tài chính quy định phát sinh trên địa bàn; được cấp phép đối với hàng hoá XNK hiện do Bộ Công Thương và các bộ quản lý chuyên ngành cấp; được xây dựng, bổ sung và quyết định một số chính sách trong thu hồi, đền bù, GPMB, giao đất để đảm bảo có quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư. Sáu là, đẩy mạnh triển khai và nâng mức vốn đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng tuyến biên giới hải đảo từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển có mục tiêu hàng năm; ưu tiên vốn ODA để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng quan trọng về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục... Bảy là, đồng ý mở rộng mức vay nợ các công trình từ nguồn phát hành trái phiếu để triển khai thực hiện một số dự án quan trọng trong tỉnh, nhưng đảo đảm tổng mức dư nợ không vượt quá mức 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm.
Thực hiện Kết luận số 47-KL/TW ngày 6-5-2009, Thông báo số 108-TB/TW ngày 1-10-2012 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban để tiến hành xây dựng Đề án 2 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái; làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 14 bộ, ngành Trung ương để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trực tiếp làm việc với các bộ, ngành để tranh thủ sự ủng hộ đối với các đề xuất của tỉnh, nhất là các cơ chế, chính sách, hỗ trợ trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động tính toán lại các mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững; rà soát các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh và các nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông động lực nhằm liên kết, phát huy tối đa lợi thế của các vùng và xây dựng các mô hình kinh tế có tính đặc thù của Quảng Ninh, tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Tiếp sau Thông báo số 108-TB/TW của Bộ Chính trị, ngày 31-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn. Trên cơ sở Thông báo của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng, thông báo kết luận của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành bám sát, phân công các đơn vị trong ngành nhanh chóng triển khai các nhóm cơ chế chính sách mà Trung ương đã chấp thuận cho Quảng Ninh.
Tính đến tháng 9-2015, Quảng Ninh đã hoàn thành các nội dung về việc khởi công dự án đường nối Hạ Long - Hải Phòng, dự án cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến, dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án cầu Bắc Luân II...; thành lập Trường Đại học Hạ Long; phê duyệt dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 2 vay vốn ADB tại TP Móng Cái, dự án Thoát nước và xử lý nước thải vay vốn ODA Nhật Bản tại TP Hạ Long; triển khai các công việc để xin nguồn vốn từ Trung ương đối với các dự án xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, cầu, đập tràn, kè bảo vệ sông, suối, cột mốc biên giới... Đối với các nội dung: Thành lập công ty đầu tư tài chính nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… đang được xây dựng đề án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với Khu kinh tế Vân Đồn, trong thời gian qua tỉnh đã bố trí nguồn lực và tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục pháp lý liên quan, đồng thời hỗ trợ các nhà thầu về điều kiện thi công để đảm bảo tiến độ thi công các dự án hạ tầng động lực. Trong đó, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã được khởi công thực hiện, phấn đấu thi công dự án Cảng Hàng không vào đầu tháng 10-2015. Ngoài các dự án này, trên địa bàn huyện Vân Đồn đang thực hiện giải phóng mặt bằng và thi công 7 dự án trọng điểm khác, như dự án Đường giao thông trục chính đấu nối các khu chức năng Khu kinh tế Vân Đồn, đường giao thông xuyên đảo...
Trong quá trình thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh, Quảng Ninh đã gặp không ít khó khăn do các nội dung triển khai xin cơ chế chính sách chủ yếu là những nội dung mới, khó và riêng có của Quảng Ninh nên còn gặp những vướng mắc nhất định về pháp lý và nguồn thông tin để xây dựng chính sách. Cùng với đó, vấn đề huy động nguồn lực đầu tư cho hàng loạt các dự án động lực trong cùng một thời điểm đối với tỉnh là hết sức khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận 47-KL/TW và Thông báo số 108-TB/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tiến độ triển khai các phần việc theo chỉ đạo của Thủ tướng, kịp thời báo cáo những nội dung có vướng mắc phát sinh để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, bám sát các bộ, ngành Trung ương sớm giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những nội dung tỉnh đã báo cáo Trung ương.
Về huy động nguồn lực, đối với Trung ương: Tỉnh tập trung bám sát các bộ, ngành liên quan để tranh thủ nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho tỉnh đối với từng dự án, chương trình cụ thể. Hiện tại, tỉnh đang nghiên cứu, lựa chọn những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng thuộc Khu kinh tế Vân Đồn để đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên huy động vốn ODA và vốn ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ như: Dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn, Bệnh viện quốc tế Vân Đồn, hạ tầng giao thông xuyên đảo, dự án cảng du lịch - bến du thuyền... Tỉnh cũng đã lên danh mục cụ thể các dự án xin ứng trước vốn kế hoạch từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ của năm sau để làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin ứng trước kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2016; làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để xin hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với dự án Đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với những ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Song song với đó, đối với tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực, thông qua triển khai hình thức hợp tác công - tư, nhất là với các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng. Báo cáo Bộ Tài chính cho phép nâng trần phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của tỉnh lên 100% và thực hiện ngay trong năm 2015 để đáp ứng tiến độ về vốn cho các công trình trọng điểm. Hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào nguồn hỗ trợ của trung ương để được thẩm định, triển khai từ năm 2016. Tập trung công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã có chủ trương như Cảng Hàng không Quảng Ninh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm như Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cung quy hoạch tỉnh, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Bắc Ninh...
Lê Quang Tùng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
.