Nguồn tin:honvietquochoc.com.vn
  • Cập nhật:18/06/2019 04:23:17 CH

Đàn đá là nhạc khí tự thân vang cổ xưa của các dân tộc M’Nông, Mạ, Raglai… Người M’Nông gọi là kologolo, người Mạ gọi là goong luk (nghĩa là cồng đá)… Đàn đá gồm nhiều thanh đá cùng chất liệu, hình dáng tương đồng nhưng độ dài ngắn, rộng hẹp, dày mỏng, nặng nhẹ khác nhau, được đẽo gọt cùng một phương pháp, tạo nên những âm thanh khá chính xác theo một âm giai điệu thức nhất định.


* Quá trình phát hiện những cây đàn đá
 
Đàn đá được phát hiện cách đây hơn 50 năm. Ngày 2/2/1949 bộ đàn đá Việt Nam đầu tiên được tìm thấy tại một làng xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Nguyên, làng Nđut Liêng Krak của dân tộc M’Nông thuộc tỉnh Đak Lak, do các công nhân đào đất làm đường cuốc phải. Sau này gọi là đàn đá Nđut Liêng Krak.
 
Đàn gồm 11 thanh đá, sắp theo chiều đứng thành ba hàng áp sát nhau, đất cát không chen vào được. Khi đào lên thì 1 thanh đã vỡ 10 thanh còn nguyên vẹn.
 
Ba hôm sau, sáng ngày 5/2/1949, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Gioócgiơ Côngđôminax. (G.Condominas), giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Viễn đông đã tìm đến. Qua âm thanh kỳ diệu và hình dáng độc đáo, ông biết đây là một cây đàn cổ quý giá. Hơn một năm sau, tháng 6/1950 ông hoàn thành “cuộc thám hiểm hải ngoại” và trở về Pháp, mang theo toàn bộ 11 thanh đá. Ông đã viết bài “Đàn đá thời tiền sử Nđut Liêng Krak” để giới thiệu đàn đá Việt Nam.
 
Bộ đàn đá đã làm chấn động dư luận ở Pháp và thế giới đặc biệt là trong giới nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học và âm nhạc học, vì người ta không thể hình dung được tại sao cách đây ba, bốn nghìn năm lại có thể có được một cây đàn gõ định âm làm bằng đá - là chất liệu khó đẽo gọt, trong lúc ở châu Âu cây đàn gõ định âm xilôphôn làm bằng gỗ là loại rất dễ đẽo gọt, theo Rôlăng Đơ Cađê (Roland de Cadé), chỉ mới có từ thế kỷ XIV (nghĩa là sau cây đàn đá 2.500 năm).
 
Đàn đá Việt Nam được trân trọng trưng bày tại Viện bảo tàng Con người (Musée de Homme) ở Paris coi như vật phẩm minh chứng cho sự tiến hóa của nhân loại trong một giai đoạn.
 
Năm 1969, đúng 20 năm sau khi phát hiện cây đàn đá Nđut Liêng Krak, nhà thơ Cù Huy Cận và tôi đã có dịp đến thăm Viện bảo tàng Con người ở Paris và đã trực tiếp xem cây đàn đá (lúc ấy còn chưa đặt trong lồng kính). Được biết tôi là chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam sang biểu diễn tại Paris, bà phụ trách đã cho phép tôi được “sờ vào hiện vật”, gõ đàn để thu thanh và làm một số việc phục vụ cho nghiên cứu.
 
Đàn gồm những thanh đá - thuộc nhóm đá sừng - hình chữ nhật, được đẽo gọt công phu, tinh tế ở cả hai mặt và hai cạnh. Thanh số 2 là thanh dài nhất 101cm70, thanh số 9 ngắn nhất 65cm50, thanh số 5 rộng nhất 15cm85, thanh số 8 hẹp nhất 10cm60, thanh số 3 nặng nhất 11kg410, thanh số 8 nhẹ nhất 4kg810, thanh số 1 trầm nhất Fa3, thanh số 10 cao nhất Sol4 (xem ảnh).
 
Đàn đá Nđut Liêng Krak
(Ảnh Viện bảo tàng con người - Paris).
 
 
Thanh 11 bị vỡ. Theo tôi, căn cứ vào âm giai của các dân tộc Tây Nguyên, căn cứ vào cấu trúc âm thanh của những cây đàn đá được phát hiện sau này và của các dàn cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên. Có thể thẩm đoán rằng: thanh đàn đá bị vỡ có nốt Sib4 nốt chủ âm (ở phần trầm đã có, nhưng phần cao còn thiếu), và đó mới là thanh đàn có âm cao nhất.
 
Âm giai đàn đá Nđut Liêng Krak hiện nay:
 
Fa3 Sol3 Sib3 Mib4 Mi4 Fa4
 
* Chín năm sau, năm 1958, tạp chí Ăngtơrôpôlôgi (Anthropologie) của Pháp đăng một mẩu tin ngắn:
 
Một Đại úy công binh Mỹ trong khi dùng máy ủi để ủi đất ở “An Nam” đã phát hiện được một bộ đàn đá, bộ này giống như bộ ở Nđut Liêng Krak nhưng loại nhỏ hơn, gồm có 7 thanh, nhưng sau đó 1 thanh bị vỡ. Sĩ quan nọ đã bán cho một nhà chơi đồ cổ ở Lôx Ănggiơlex (Los Angeles) tên là Clerơ Ôma Muytxơ (Claire Omar Musser). Bản tin không ghi cụ thể địa điểm nơi phát hiện đàn đá và tên của ông Đại úy.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc Hà Lan Giap Kơnxt (Jaap Kunst) đã đến khảo sát, nghiên cứu bộ đàn này, nhưng chưa kịp công bố tài liệu thì ông đã chết.
 
- Bộ đàn đá thứ ba do Bunbê (J. Boulbet), ngươi Pháp, chủ đồn điền chè ở Blao, Di Linh, Lâm Đồng phát hiện ở Boon Boocđa, của dân tộc Mạ. ông giới thiệu trên tạp chí Ăngtơrôpôlôgi (Anthropologie) ngày 23/5/1958 với nhan đề: Đàn đá Goong Luk của làng Boon Boocđa.
 
21 năm sau, ngày 15/5/1979 Viện Nghiên cứu âm nhạc và Sở Văn hóa Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát.
 
Đàn có 6 thanh, nhưng đã bị thất lạc mất 3 thanh, là của gia bảo của ông K.Brôi (K.Broih). 3 thanh đàn đều cùng một cỡ về chiều ngang 15cm và chiều dày 3cm6, chỉ chiều dài là khác nhau: 60cm, 62cm, 65cm.
 
- Bộ đàn đá thứ tư phát hiện vào năm 1979 ở Khánh Sơn thuộc tỉnh Phú Khánh là của ông Bo Boren, người dân tộc Raglai. Đàn trước đây có 21 thanh, nhưng năm 1964 do bị máy bay Mỹ oanh tạc, vỡ mất 9 thanh, hiện còn 12 thanh. Đàn to và nặng hơn đàn Nđút Liêng Krak, thanh nặng nhất là 28kg100 (thanh nặng nhất của đàn Nđút Liêng Krak là 11kg410), thanh nhẹ nhất là 5kg, thanh dài nhất 103cm, thanh ngắn nhất 45cm60, thanh 1 có nốt trầm nhất là La3 với âm tần 452hz, thanh 12 có nốt cao nhất là Sol#5 với âm tần 1.653hz.
 
- Tháng 12/1979 Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa Thông tin Đồng Nai đã đào bới được ở Bình Đa, một di chỉ khảo cổ thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhiều thanh đàn đá bị vỡ, nhưng có thanh số 4 còn nguyên, có nốt Fa4, với âm tần 722hz lẫn với những dụng cụ bằng đá, đồ gốm và những thanh củi cháy dở ở các bếp cổ xưa. Nhờ những mảnh than ấy, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức, với phương pháp định niên đại bằng các-bon phóng xạ C14 đã có thể xác định được tuổi của đàn đá Bình Đa: cách đây 3.180 + 50 năm. Đó là bộ đàn đá thứ năm.
 
Thanh đá bị vỡ.
 
 
- Tháng 1/1980, tại Bắc Ái thuộc tỉnh Thuận Hải đã phát hiện Được bộ đàn đá thứ 6. Bộ đàn này là của gia bảo của ông Kator Achoh, dân tộc Raglai. Cây đàn gồm 15 thanh, to và nặng hơn đàn Nđút Liêng Krak, thanh nặng nhất là 31kg750, thanh nhẹ nhất 4kg350, thanh dài nhất 94cm, thanh ngắn nhất 47cm, thanh 1 có nốt trầm nhất là Sib3 với âm tần 464,6hz, thanh 15 có nốt cao nhất là Fa#5, với âm tần 1.511,3hz. Đàn được làm cùng một chất đá như đàn Khánh Sơn: đá trầm tích riôlit poocphia (rhyolite porphire) có nhiều ở Khánh Son, có sức chịu đựng với những tác dụng cơ học rất tốt, chỉ thua loại đá ngọc mà thôi và phát ra được âm thanh đẹp, vang.
 
- Tháng 6/1980 đã đào được ở đỉnh núi Yamaquai (tiếng Raglai có nghĩa là gạo tấm, nay là Dốc Gạo) thuộc xã Trung Hạp, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Sơn một số bộ đàn đá và hàng chục thanh đàn đá bị vỡ trong khi chế tác, với trên 500 mảnh tước cùng loại đá trầm riôlit poocphia như các bộ đàn đá Khánh Sơn, Bắc Ái, Tuy An..., chứng tỏ nơi đây là công xưởng để chế tác đàn đá từ thời xa xưa, điều đó minh chứng: đàn đá là sản phẩm văn hóa bản địa do người Việt Nam chế tác từ nguyên liệu đá Việt Nam chứ không phải "từ nơi khác trôi dạt về do những biến động di dân" như một số học giả phương Tây đã phát biểu.
 
- Năm 1981, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày sinh của giáo sư Côngđôminax, người đã phát hiện bộ đàn đá đầu tiên Nđut Liêng Krak có một bài của Anbina Pherâyrô (Albina Pherreiros) đăng trong cuốn Ôriăng (Orents) xuất bản ở Tuludơ và Paris, thông báo đã phát hiện được cây đàn đá (thứ 8) tại một làng gần làng Bu Dang Srê của dân tộc M’Nông (thuộc Đắc Min Đắc Nông, tỉnh Đak Lak).
 
Ông kể lại rằng vào tháng 9/1973 ông đi mua những vò rượu cần và đổi thảm dệt thổ cẩm, đồ gốm của dân tộc M’Nông, trời đã tối dân làng báo cho biết có một con voi dữ lẩn quất quanh đây, ông đành ở lại và vô tình đã được dự một buổi liên hoan hòa nhạc gồm các nhạc cụ: khèn, sáo dọc, đàn dây có cung vĩ kéo và đàn đá mà người N’Nông gọi là kologolo.
 
Bộ đàn này gồm 3 thanh: thanh 1 dài 55cm, thanh 2 dài 33cm, thanh 3 dài 27cm. Hình các thanh đã hơi cong, hai đầu nhọn. Ông đã thu thanh buổi hòa nhạc đó. Một tuần sau làng đó đã bị máy bay Mỹ oanh tạc. Ông đã vẽ lại thanh đàn đá hình hơi cong, chiếc dùi bằng đá, 3 người nâng 3 thanh đàn và 1 người ngồi đối diện cầm dùi đánh đàn (xem phần ảnh).
Đàn đá Kologolo do Anbina Phêrêrô vẽ lại
(Đăng trên tạp chí Ôriăng Tuludo - Paris).
 
- Giữa năm 1989 đã đào và phát hiện được 3 thanh đàn đá ở Lộc Ninh (Sông Bé).
 
- Tháng 2/1992 ông Huỳnh Ngọc Hồng, một nông dân đã phát hiện tại sườn núi Hòn Một, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên một bộ đàn đá gồm 8 thanh, thanh dài nhất 59cm, thanh ngắn nhất 39cm, thanh nặng nhất 14kg, thanh nhẹ nhất 2kg300, thanh trầm nhất 810hz, thanh cao nhất 1.893hz. Đàn có độ chuẩn về cung bậc khá chính xác, được làm bằng loại đá riôlit poocphia như đàn Khánh Sơn, Bắc Ái.
 
Bộ đàn đá Tuy An là bộ đàn đá thứ 10 được phát hiện...
 
- Từ những cây đàn đá trên chúng ta có những nhận định như sau:
 
Về mặt chất liệu đá, đàn đá có hai nhóm:
 
1. Nhóm đá sừng, ít rắn hơn, dễ ghè đẽo, âm vực trầm: đàn Nđút Liêng Krak, Blao (Goong Luk), Lộc Ninh, Bình Đa.
 
2. Nhóm đá trầm tích riôlit poocphia, rất rắn nhưng ghè đẽo ít bị vỡ, âm vực cao, vang xa: Khánh Sơn, BắcÁi, Tuy An, Dốc Gạo. Loại đá này có rất nhiều ở Khánh Sơn, đặc biệt là ở đỉnh núi Dốc Gạo.
 
Âm giai đàn đá là âm giai của các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc ở ven Trường Sơn: loại ngũ cung có bán âm.
 
Cách chơi đàn: 3 người cầm dây nâng 3 thanh đàn đá,
người chơi đàn ngồi đối diện cầm dùi đá gõ.
 
 
Qua một số tư liệu thu thập được thấy rằng có những lối chơi đàn khác nhau: Người M’Nông buộc dây ở hai đầu thanh đá, người chơi đàn ngồi đối diện với những người cầm dây nâng những thanh đá lên, người kia cầm dùi đá gõ (gần gũi với cách đánh cồng chiêng của các dân tộc Giarai, Banar: xách cồng đánh). Người Mạ thì lại ngồi duỗi hai chân, đặt thanh đá lên đùi mà đánh (gần gũi với cách đánh cồng chiêng của dân tộc Êđê: đặt cồng lên đùi đánh). Mỗi người đánh một âm, tập thể thành bộ đàn cũng như cồng chiêng vậy; có thể đánh giai điệu, chồng âm.
 
Về mặt sử dụng, người M’Nông dùng đàn đá hòa tấu cùng sáo và đàn kơní để đệm cho hát, cho múa trong những buổi vui chơi, giải trí. Người Mạ và người Raglai thì lại coi đàn đá như vật thiêng gắn với tục thờ đá rất nguyên thủy, do đó đàn đá được đặt ở nơi thờ phụng và chỉ được rước xuống để sử dụng trong lễ thức cúng Giàng và chỉ đánh độc tấu, không hòa tấu với bất cứ một nhạc khí nào.
 
Âm thanh đàn đá đẹp, trong sáng, vang vang tạo cảm giác về hang động, núi rừng.
 
Đàn đá Việt Nam - qua cây đàn Nđút Liêng Krak - đã được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới ca ngợi.
 
Giáo sư âm nhạc Saphne (A.Schaeffner), người Pháp, đã viết một công trình nghiên cứu về đàn đá: “Một sự khám phá khảo cổ quan trọng”, trong đó có câu: (Đàn đá NLK)"đã có những âm thanh được tính toán với một độ chính xác kỳ lạ làm ta phải ngạc nhiên. Tính nhạy cảm của các phiến đá rất cao, chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào cũng làm chúng rung động. Âm sắc tuyệt đẹp gợi lên tiếng vang tinh tế”.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc Liên Xô (cũ) R.L.Xađôcôp trong bài: “Nhạc khí bằng đá tối cổ của Việt Nam” đã viết: (Đàn đá NLK) “không giống bất cứ một nhạc khí bằng đá nào mà khoa phân tích giải phẩu học đã biết” … “Ngành nghiên cứu lịch sử nhạc khí đã có được một tài liệu quý giá cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc chưa hề nghiên cứu tới”.
 
Giáo sư G.Côngđôminax đã gọi đàn đá Nđut Liêng Krak là “Nhạc khí thời tiền sử”, “Nhạc khí cổ xưa nhất thế giới”.
 
Đàn đá là một sản phẩm văn hóa bản địa, do người Việt Nam chế tác từ nguyên liệu đá Việt Nam, với âm giai độc đáo của các dân tộc Việt Nam.
 

Nguồn tin:honvietquochoc.com.vn
  • Di sản văn hóa Phật giáo
  • Đèn cổ Việt Nam
phat giao

Thống kê truy cập

  • duong-link-khong-co Đang online: 195
    duong-link-khong-co Hôm nay: 2,223
    duong-link-khong-co Hôm qua: 3,648
    duong-link-khong-co Tuần này: 18,347
    duong-link-khong-co Tuần trước: 18,793
    duong-link-khong-co Tháng này: 271,284
    duong-link-khong-co Tháng trước: 340,752
    duong-link-khong-coTất cả: 2,994,738

Liên kết Website