Ngày 18/01/2022, Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức tiếp nhận di vật trống đồng tại thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long do người dân phát hiện được trong quá trình cải tạo đất, làm vườn tại địa phương.
Lãnh đạo Bảo tàng Quảng Ninh cùng với chính quyền
xã Thống Nhất và gia đình làm lễ bàn giao di vật
Trước đó 2 ngày (16/01), gia đình ông Tẩy Văn Nhốc, bà Nguyễn Thị Huệ trú tại địa chỉ trên có sử dụng máy múc, cải tạo vườn làm phát lộ một đồ vật bằng đồng, đã đưa về nhà vệ sinh sạch sẽ và báo tin cho Bảo tàng Quảng Ninh.
Chiều cùng ngày, Bảo tàng Quảng Ninh đã đến khảo cứu đồ vật và địa điểm được phát lộ. Kết quả khảo sát, đồ vật là một trống đồng, được phát lộ tại vị trí có tọa độ địa lý: 2103’43’’ Vĩ độ Bắc; 10704’19’’ Kinh độ Đông, bên bờ trái của dòng suối cạn chạy qua vườn nhà ông bà Tẩy Văn Nhốc, cách di tích danh thắng quốc gia Núi Mằn khoảng 400m về phía Đông, cách miếu Ông Dài khoảng 1,7km về phía Bắc; cách miếu Thánh Mẫu khoảng 0,75km về phía Nam. Thông tin được gia đình cung cấp, khi phát lộ, trống ở tư thế nằm ngửa, trong địa tầng đất có màu xám đen, xung quanh và bên trong lòng trống không có đồ vật khác. Hiện trạng, trống có mặt còn nguyên, trên mặt có 6 tượng cóc chia thành 3 cặp (đôi/đơn), đan cài nhau; phần tang bị vỡ, còn lại khoảng 2/3 diện tích tang. Khi đào, máy múc đã làm vỡ tách rời khỏi một mảnh tang tiếp giáp thân. Trống có kích thước: cao 42cm; đường kính mặt 69,5cm; đường kính chân 66cm. Trên có sở nghiên cứu và tham vấn ý kiến chuyên gia, bước đầu Bảo tàng Quảng Ninh xác định: trống có niên đại khoảng thế kỷ XIV – XV, là trống đồng loại II (H2) trong hệ thống phân loại trống đồng của Heger và thường được dùng trong nghi lễ.
Vị trí địa điểm phát hiện trống nhìn về phía Đông cách núi mằn 600m
Tính tới thời điểm này, đây là chiếc trống đồng thứ 2 được phát hiện tại Quảng Ninh sau trống đồng Quảng Chính (phát hiện năm 1981 tại huyện Hải Hà), đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 18/01/2022, Bảo tàng Quảng Ninh đã tổ chức tiếp nhận di vật trống đồng trên do gia đình ông Tẩy Văn Nhốc giao lại trước sự chứng kiến của Lãnh đạo chính quyền địa phương xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long theo đúng quy định. Tiến hành bảo quản sơ bộ, đề xuất hướng nghiên cứu, xác định giá trị và phát huy hiện vật trong thời gian tới.
*Một số hình ảnh liên quan:
Bề mặt trống còn nguyên vẹn, với 6 tượng cóc chia thành 3 cặp (đôi/đơn)
Hoa văn trên thân trống đồng
Vị trí phát hiện trống đồng
Vị trí phát hiện trống đồng nhìn về phía Tây
Các mảnh vỡ của trống đồng tìm được do quá trình thi công bờ kè
Cán bộ Bảo tàng thực hiện công tác xử lý mặt bằng
Lãnh đạo Bảo tàng Quảng Ninh trao đổi về giá trị của trống đồng phát hiện được
Vị trí phát hiện trống đồng trên Google map
Bài: Đặng Hoa
Ảnh: Đức Phương – Thanh Lâm